Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất bảo vệ thực vật

Chiều 26/3, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Trường đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức hội thảo khoa học 'Chế phẩm sinh học từ thực vật bản địa thay thế hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp tại Thừa Thiên Huế'.

Hội thảo đánh giá về thực trạng và tính cấp thiết cần ứng dụng chế phẩm sinh học thay thế hóa chất bảo vệ thực vật

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp và báo cáo các kết quả nghiên cứu thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh: "Nghiên cứu điều chế một số chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh thay thế hóa chất BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thừa Thiên Huế". Đề tài do PGS. TS. Nguyễn Thị Ái Nhung, Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế làm chủ nhiệm.

Hội thảo thông tin về hiện trạng sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, vai trò của hợp chất tự nhiên có hoạt tính kháng sâu bệnh trong BVTV, tình hình sâu bệnh hại trên cây hoa màu, sử dụng chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh thay thế hóa chất BVTV trong nông nghiệp...của nhóm chủ trì đề tài, các nhà khoa học và các chuyên gia nông nghiệp... Đồng thời đề xuất các giải pháp an toàn nhằm hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Theo số liệu điều tra, đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng 200 tấn thuốc BVTV cho các loại cây như lúa, rau màu và các cây trồng khác. Trong danh mục thuốc BVTV đang lưu hành tại Việt Nam hiện nay thì thuốc BVTV sinh học chỉ chiếm 8-10%, định hướng đến năm 2030 tỷ lệ này tăng lên 30% theo Đề án "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Do đó, Thừa Thiên Huế cần xây dựng lộ trình và phấn đấu giảm thiểu lượng thuốc BVTV sử dụng hàng năm khoảng 20-30%, đặc biệt trên lúa, rau màu các loại. Ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có độ độc thấp (nhóm 4, 5).

Trước yêu cầu cấp thiết, nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu, điều chế và sản xuất một số chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa có khả năng kháng sâu bệnh hại cây trồng. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 20 loại thực vật bản địa với thành phần hóa học chính có khả năng kháng sâu bệnh hại trên cây trồng như: trầu không, cỏ lào, kinh giới, xoan, vối, cỏ cứt lợn, lá lốt, hồ tiêu, dây ký ninh...

Nhóm 20 loài thực vật bản địa nghiên cứu chiết xuất chế phẩm sinh học thay thế hóa chất bảo vệ thực vật

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, nguồn nguyên liệu các loại thực vật bản địa phong phú, dễ trồng, sản lượng lớn, mọc hoang, thời gian sinh trưởng/thu hoạch ngắn, phát triển tốt trên đất bạc màu/đất cát. Ưu tiên bộ phận sử dụng để có thể thu hoạch nguyên liệu quanh năm, duy trì cây vẫn phát triển... Kỹ thuật tách chiết, làm giàu hoạt chất và quy trình bào chế, bảo quản chế phẩm đơn giản; có nhiều dạng chế phẩm (lỏng, cao đặc, bột) để nông dân tiện pha chế và sử dụng.

Các chế phẩm sinh học từ các loài thực vật bản địa được áp dụng thử nghiệm thành công với khả năng kháng sâu bệnh hại trên cây rau má, cây ớt và một số cây trồng chính ở Thừa Thiên Huế.

Tin, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/che-pham-sinh-hoc-tu-thuc-vat-ban-dia-thay-the-hoa-chat-bao-ve-thuc-vat-139260.html