Chế độ dinh dưỡng cho người phẫu thuật u nang buồng trứng
Bệnh u nang buồng trứng là căn bệnh phụ khoa rất thường gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Đa phần u nang buồng trứng là lành tính. Việc người bệnh u nang buồng trứng nên ăn gì và không nên ăn gì rất quan trọng, đặc biệt là trước và sau phẫu thuật cắt u nang (bao gồm cả trường hợp cắt bỏ buồng trứng).
Bệnh u nang buồng trứng là căn bệnh phụ khoa rất thường gặp ở bất kì lứa tuổi nào. Đa phần u nang buồng trứng là lành tính.
Việc người bệnh u nang buồng trứng nên ăn gì và không nên ăn gì rất quan trọng, đặc biệt là trước và sau phẫu thuật cắt u nang (bao gồm cả trường hợp cắt bỏ buồng trứng). Tuy nhiên, nhiều người chủ quan không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, từ đó dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Theo bác sỹ Đào Thị Ngọc - Viện y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, dinh dưỡng thời kỳ trước phẫu thuật và sau phẫu thuật của người bệnh u nang buồng trứng đều rất quan trọng.
Trước phẫu thuật, thời kỳ này dài hay ngắn tùy thuộc vào tính chất bệnh cấp cứu hoặc không và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Nguyên tắc chung của chế độ dinh dưỡng thời kỳ này cần đảm bảo: Nhiều protein – đây là điểm quan trọng nhất vì bệnh ngoại khoa thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, do viêm, do bỏng nặng…; Nhiều năng lượng (nhu cầu năng lượng cần tăng thêm từ 10-50% và đôi khi phải tăng tới 100% so với bình thường); Nhiều glucid để ngoài cung cấp năng lượng, glucid còn làm cho gan tích trữ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê. Duy trì chế độ dinh dưỡng cao ít nhất một tháng đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng.
Chế độ ăn cần tuân thủ nguyên tắc: Không nên ăn quá nhiều, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; Hạn chế chất béo, hàm lượng chất béo chỉ nên chiếm 20-30% tổng calo tiêu thụ; Uống nhiều nước, trên 2 lít mỗi ngày; Tránh xa các chất kích thích như rượu bia,… đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Sau phẫu thuật, người bệnh nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh để giúp cơ thể tiêu hóa dễ dàng và nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt là các loại rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin như: Cam, rau bắp xanh, súp lơ, rau cải… Ăn nhiều thực phẩm giàu Omega-3 và sắt, có ở một số thực phẩm như dầu oliu, dầu vừng, cá hồi, bơ thực vật,…
Ngoài ra, bệnh nhân có thể mất một lượng máu lớn nên việc bổ sung sắt là điều không thể bỏ qua. Chúng là những chất cần thiết cho người bệnh sau khi sử dụng biện pháp xâm lấn. Sau mổ u nang buồng trứng, nên bổ sung sản phẩm nguồn gốc thảo dược để cải thiện sức khỏe, ngăn chặn bệnh tái phát – Bác sĩ Đào Thị Ngọc cho hay.
Đặc biệt, bệnh nhân sau phẫu thuật cần ăn kiêng một số thực phẩm như kiêng ăn đồ tanh, chua, cay. Đối với tất cả các trường hợp sau khi mổ đều không nên ăn những món đồ tanh vì chúng dễ kích ứng vùng tổn thương, gây sưng tấy, ngứa ngáy vết mổ, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.
Thời kỳ hậu phẫu thuật, cần chú ý kiêng ăn đồ nếp vì dễ gây mưng mủ, khiến vết thương lâu lành và có nguy cơ bị bội nhiễm, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Kiêng thực phẩm lên men, chất kích thích, có cồn như dưa muối, cà muối, rượu nho, táo hoặc những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… người sau mổ u nang buồng trứng không nên ăn vì chúng dễ làm cho vết mổ đau hơn, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.