Châu Âu có nhiều cơ hội đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh của Việt Nam

Đi đầu trong công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp khí hậu, các công ty châu Âu có lợi thế riêng trong lĩnh vực này, từ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo đến tư vấn về cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu tại Việt Nam, theo Vietnam Briefing.

Việt Nam là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của khủng hoảng khí hậu. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tác động của việc Trái đất nóng lên có thể khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 12 đến 14,5% GDP vào năm 2050 nếu không có biện pháp phối hợp nào được thực hiện.

Việt Nam có mục tiêu lớn về phát triển bền vững

Do đó, Việt Nam đang đặt ra nhiều mục tiêu lớn hướng tới giảm lượng khí thải carbon, nâng cao hiệu quả các ngành công nghiệp và khả năng phục hồi nền kinh tế. Việt Nam đã cam kết đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 vào tháng 7 năm 2022. Văn bản này bao gồm một loạt các mục tiêu về khí hậu, bao gồm giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính (GHG) vào năm 2030 (tùy thuộc vào các điều kiện nhất định), cũng như một số mục tiêu cấp ngành.

Vào tháng 3 năm 2023, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 (PDP8) (tên chính thức là Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050). Kế hoạch này phác thảo sự phát triển của thị trường năng lượng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu phù hợp với mức tăng trưởng GDP hàng năm bền vững khoảng 7% từ năm 2021 đến năm 2030 và 6,5 đến 7,5% từ năm 2031 đến năm 2050.

Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Ảnh: Vietnam Briefing.

Trong số các chiến lược được đề xuất có kế hoạch tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng nguồn năng lượng quốc gia và mục tiêu cuối cùng là loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Năng lượng tái tạo này bao gồm thủy điện, năng lượng gió trên bờ và ngoài khơi, năng lượng mặt trời, sinh khối và hydro, cùng nhiều loại khác.

Những mục tiêu này, cùng với số tiền đầu tư khổng lồ cần thiết, mang đến vô số cơ hội cho các công ty nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp bền vững, bao gồm cung cấp trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ để mở rộng công suất năng lượng tái tạo, tham gia vào nhiều ngành công nghiệp phụ trợ như bảo tồn năng lượng và xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu khí hậu.

Cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp xanh của Việt Nam cho các doanh nghiệp châu Âu

Đầu tiên, vị trí địa lý đặc biệt giúp Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế lớn nhất trong khu vực về tiềm năng năng lượng tái tạo. Đường bờ biển dài hơn 3.000 km mang lại tiềm năng cao nhất về công suất năng lượng gió ở Đông Nam Á. Theo PDP8, tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam là khoảng 221.000 MW đối với điện gió trên bờ và khoảng 600.000 MW đối với điện gió ngoài khơi. Tiềm năng năng lượng mặt trời của Việt Nam cũng rất đáng kể, ước tính khoảng 963.000 MW.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, công suất năng lượng gió và mặt trời của Việt Nam chưa được cao. Vào cuối năm 2021, tổng công suất điện gió lắp đặt của Việt Nam đạt 4.118 MW, chiếm khoảng 0,5% tổng tiềm năng kỹ thuật, theo ước tính của PDP8. Trong khi đó, tổng công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt vào năm 2021 là 16.600 MW, khoảng 1,7% tổng tiềm năng kỹ thuật.

Các công ty châu Âu, nổi tiếng trên toàn thế giới về công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời, có thể tận dụng kinh nghiệm, chuyên môn và chuỗi cung ứng đã được thiết lập để cung cấp công nghệ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam.

Nhiều công ty năng lượng gió châu Âu đã hiện diện tại Việt Nam và bắt đầu tham gia tích cực vào sự phát triển của ngành. Chẳng hạn, Siemens Gamesa có trụ sở tại Tây Ban Nha đã giành được đơn đặt hàng 29 tua-bin gió cho một trang trại gió 117 MW tại Việt Nam vào năm 2021, trong khi vào năm 2022, công ty Vestas của Đan Mạch đã giành được đơn đặt hàng 100 MW cho một dự án chưa được tiết lộ, nâng tổng công suất tua-bin gió trên bờ của công ty tại Việt Nam lên hơn 1.600 MW.

Trong khi đó, công ty quang điện SMA Solar Technology của Đức tiếp tục cung cấp hệ thống năng lượng mặt trời cho nhiều dự án khác nhau trên khắp đất nước.

Mảng đáng chú ý thứ hai là thị trường xe điện. Thị trường xe điện (EV) của Việt Nam vẫn còn sơ khai, khi doanh số bán EV vào năm 2022 chỉ ở mức thấp là hàng nghìn chiếc. Tuy nhiên, thị trường xe điện của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng to lớn, với nhu cầu gia tăng cả từ tầng lớp trung lưu đang mở rộng và nỗ lực của quốc gia để đạt được mức trung hòa carbon. Thương hiệu xe điện đầu tiên của Việt Nam, VinFast, báo cáo rằng họ đã bán được hơn 4.000 chiếc EV chỉ riêng trong tháng 12 năm 2022, cao gấp bảy lần so với tháng trước đó.

Tháng 3/2022, Việt Nam cũng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe điện chạy ắc quy (BEV) để thúc đẩy ngành này phát triển. Cho đến năm 2027, BEV dưới 9 chỗ ngồi chỉ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 3%, giảm đáng kể từ 15%, trong khi thuế suất đối với BEV từ 9 đến 24 chỗ giảm từ 10% xuống 1%.

Do đó, thị trường xe điện đang phát triển của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội mới cho các công ty châu Âu trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất pin xe điện đến nghiên cứu và phát triển R&D. Ví dụ, đầu năm nay, tập đoàn đa quốc gia của Pháp Schneider Electric, chuyên về thiết bị quản lý năng lượng và tự động hóa kỹ thuật số, đã đầu tư vào Selex Motors có trụ sở tại Việt Nam để mở rộng dây chuyền sản xuất và thiết lập hệ thống hoán đổi pin tại các thành phố ở Việt Nam.

Do có đường bờ biển dài, Việt Nam cũng đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, Việt Nam cũng rất cần phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý có khả năng chống chịu khí hậu để giảm thiểu rủi ro do sự nóng lên toàn cầu gây ra.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 7 năm 2022 khuyến nghị rằng các biện pháp thích ứng với khí hậu của Việt Nam nên tập trung vào "các lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long". Báo cáo cũng ước tính tổng nhu cầu tài chính sẽ đạt khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

Với việc đi đầu trong các giải pháp sáng tạo về khí hậu, các công ty châu Âu có nhiều cơ hội để đóng góp vào việc xây dựng các giải pháp và cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu của Việt Nam. Các lĩnh vực cần đầu tư khẩn cấp bao gồm quản lý và giảm thiểu rủi ro lũ lụt, bảo vệ bờ biển, thoát nước đô thị, hệ thống cảnh báo sớm, thu gom và xử lý nước thải và các công trình chống ngập lụt.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chau-au-co-nhieu-co-hoi-dau-tu-vao-cac-nganh-cong-nghiep-xanh-cua-viet-nam-20230721090551073.htm