Châu Á - Thái Bình Dương: Cần thúc đẩy mua sắm công bền vững
Trong thập kỷ qua, mua sắm công bền vững (SPP) đã trở thành một công cụ quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế.

Mua sắm công bền vững (SPP) là một công cụ quan trọng để thúc đẩy các mục tiêu về môi trường, xã hội và kinh tế. Ảnh minh họa: iStock
Mua sắm công chiếm từ 13% - 20% GDP toàn cầu và chịu trách nhiệm cho ít nhất 15% tổng lượng khí thải nhà kính, làm nổi bật tác động đáng kể của nó đối với môi trường. Việc áp dụng SPP có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy các giải pháp thay thế thân thiện với khí hậu, từ đó giúp làm giảm chi phí dài hạn và cải thiện hiệu quả hành chính. Khi các chính phủ nỗ lực thực hiện các cam kết về khí hậu theo Thỏa thuận Paris, SPP trở thành một cơ chế thiết yếu để khử carbon trong các lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng, đồng thời cải thiện quản trị và thúc đẩy phúc lợi kinh tế xã hội.
Mua sắm công đặc biệt quan trọng ở các nền kinh tế mới nổi, nơi nhu cầu về cơ sở hạ tầng cao nhất. Điển hình như châu Á - Thái Bình Dương (APAC) – khu vực đang đô thị hóa nhanh chóng, đòi hỏi 1.700 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng mỗi năm. Theo đó, xanh hóa mua sắm công là điều cần thiết để đáp ứng các nhu cầu này, liên kết các mục tiêu kinh tế - xã hội với các mục tiêu phát triển bền vững.
Được biết, 3/4 lượng khí thải bắt nguồn từ 6 lĩnh vực, trong đó có giao thông, xây dựng, công nghiệp và quản lý chất thải… tất cả đều phụ thuộc vào chi tiêu của chính phủ. Và cái giá phải trả cho sự không hành động là rất lớn. Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm ở APAC, và biến đổi khí hậu có khả năng khiến hàng triệu người phải di dời vào năm 2030, cũng như làm giảm 17% GDP của khu vực vào năm 2070.
Theo các chuyên gia của Diễn đàn Đông Á, SPP có tiềm năng lớn trên khắp các lĩnh vực kinh tế, chính sách và quy định. Việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn có thể giảm thiểu rác thải, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và thậm chí tạo ra kết quả tích cực về mặt môi trường. Vật liệu xây dựng xanh có thể giảm mức sử dụng năng lượng và nước có trong thép và xi măng, giúp giảm tới 40% lượng carbon tích hợp.
Môi trường thể chế và quy định thuận lợi là nền tảng của SPP. Luật SPP của Nhật Bản và Hàn Quốc thúc đẩy nhu cầu về vật liệu thân thiện với môi trường thông qua các yêu cầu bắt buộc về mua sắm xanh, mục tiêu tăng dần theo định kỳ. Kể từ khi thông qua Luật Sản xuất sạch hơn vào năm 2002, Trung Quốc đã thiết lập một khuôn khổ toàn diện cho SPP, với các quy định về sản xuất có trách nhiệm với môi trường, nền kinh tế tuần hoàn và vật liệu tiết kiệm tài nguyên. Trong khi đó, Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia cũng đang thúc đẩy SPP thông qua các lộ trình chiến lược, phối hợp liên bộ, dán nhãn sinh thái và chứng nhận có mục tiêu, bên cạnh các ưu đãi tài chính.
Đặc biệt, SPP đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm tác động môi trường của ngành xây dựng - một tác nhân gây ô nhiễm lớn trên toàn cầu. Tại châu Á - Thái Bình Dương, sự phụ thuộc vào vật liệu có hàm lượng carbon cao, ví dụ như thép, xi măng… vẫn còn phổ biến. Thực tế, tính khả dụng, sẵn có và độ bền thường được ưu tiên hơn là chi phí môi trường và khả năng tiết kiệm lâu dài từ các lựa chọn bền vững hơn.
Thiết kế tòa nhà bền vững là một khía cạnh quan trọng khác của SPP. Ở Đông Nam Á, riêng vật liệu mái có thể chiếm tới 70% lượng nhiệt hấp thụ trong các tòa nhà. Thiết kế hệ thống các tòa nhà tiết kiệm năng lượng và nước, kết hợp với các công nghệ thông minh và ít carbon… có thể cải thiện đáng kể hiệu suất môi trường.
Song song đó, thiết kế thân thiện với sinh học, kết hợp các yếu tố tự nhiên như mái nhà xanh và cảnh quan bền vững, có thể nâng cao sức khỏe của người sử dụng và mang lại lợi ích sinh thái. Điều này rất cần thiết trong một khu vực đang nóng lên với tốc độ gấp đôi mức trung bình toàn cầu, nơi hầu hết người dân ở Philippines, Việt Nam và Indonesia không có các lựa chọn làm mát bền vững.
Rõ ràng, các chính phủ trên khắp châu Á - Thái Bình Dương cần phải ưu tiên vật liệu xây dựng xanh, hệ thống tiết kiệm tài nguyên và tích hợp các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) trong các hoạt động mua sắm. Bằng cách tích hợp các yêu cầu ràng buộc và đầy tham vọng về môi trường vào các hợp đồng và đấu thầu công khai, áp dụng các tiêu chí ràng buộc về môi trường và nâng cao kiến thức của các nhà hoạch định chính sách, các chính phủ có thể tạo ra thị trường công nghệ bền vững, đẩy nhanh việc áp dụng sản phẩm xanh và mở rộng NbS. Những nỗ lực này có thể thúc đẩy tính bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, tạo ra việc làm xanh, tăng cường sức khỏe cộng đồng và đảm bảo cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với khí hậu. Thông qua SPP, các chính phủ có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, xây dựng nền kinh tế phục hồi và để lại di sản tích cực cho các thế hệ tương lai.