Chất lượng Thỏa ước lao động tập thể là 'chìa khóa' tăng năng suất lao động và thu nhập

Chiều 30/11, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Diễn đàn thảo luận số 3 với chủ đề: 'Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc'. Diễn đàn là hoạt động ý nghĩa và thiết thực trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhằm sớm thu thập các ý kiến, đề xuất để tổng hợp và đề ra nhiệm vụ, giải pháp, cũng như các hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Nhiệm kỳ 2018 - 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự trách nhiệm, vào cuộc cả hệ thống Công đoàn, công tác đại diện, bảo vệ, đặc biệt là công tác tham gia đối thoại, thương lượng tập thể của tổ chức Công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Diễn đàn.

Việc phối hợp thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc tiếp tục có chuyển biến tích cực với 98,8% doanh nghiệp nhà nước và 64,93% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động và các hình thức dân chủ khác theo quy định của pháp luật; 99,07% doanh nghiệp nhà nước và 67,96% doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có tổ chức Công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng. Đã ký mới 15.832 bản TƯLĐTT doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 72,12% (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ), trong đó tỷ lệ TƯLĐTT đạt loại B trở lên là 48,2%, tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ; đã ký kết 22 bản TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, 3 TƯLĐTT thể ngành, mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 7 triệu lao động.

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, giữ ổn định việc làm, tiền lương, thu nhập, đảm bảo điều kiện làm việc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, xã hội, đoàn viên, người lao động đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đối thoại, thương lượng TƯLĐTT tập thể vẫn còn những tồn tại, hạn chế như hoạt động tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại tỷ lệ còn thấp, nhiều nơi còn hình thức; TƯLĐTT có độ bao phủ chưa rộng, nhiều bản chất lượng còn thấp; TƯLĐTT ngành giảm sút về số lượng đơn vị tham gia, hết hạn chưa được ký kết lại; TƯLĐTT có nhiều doanh nghiệp tham gia còn manh mún, khả năng mở rộng thấp…

Nhiệm kỳ tới, dự báo toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục phát triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức. Trong nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục được đẩy mạnh; khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn biến nhanh, đột phá, dẫn đến sự thay đổi lớn về quan hệ lao động… sẽ đặt ra nhiều vấn đề mới, thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Toàn cảnh diễn ra Diễn đàn.

Trước bối cảnh trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII xác định chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện; thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc”…

Đặc biệt là chỉ tiêu “Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật”; dự kiến xây dựng khâu đột phá “Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”.

Để đảm bảo thực hiện được các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ trên, trước thềm Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Diễn đàn thảo luận số 3 với chủ đề Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.

Diễn đàn được tổ chức với mong muốn phát huy trí tuệ của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tác 3 bên nhằm giúp tổ chức Công đoàn thực hiện hiệu quả, đạt được kết quả đột phá trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần cải thiện rõ ràng về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động của đoàn viên, người lao động.

Tham gia tham luận tại Diễn đàn, TS Nguyễn Thu Hằng, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết hoạt động thương lượng, ký kết TƯLĐTT có sự gia tăng về số lượng. Đến nay tổng số thỏa ước được ký kết đến hết năm 2022 là 42.000 bản, bao phủ hơn 6,19 triệu lao động. Các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.

Để thúc đẩy hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tổ chức Công đoàn cần tích cực tham gia vào các cơ chế đối thoại ba bên ở các cấp, đồng thời thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện người lao động trong Hội đồng Tiền lương quốc gia và Ủy ban Quan hệ lao động. Mở rộng độ bao phủ gắn với nâng cao chất lượng TƯLĐTT; trọng tâm là tiền lương, thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc.

Phối hợp có hiệu quả với người sử dụng lao động trong việc tổ chức các hoạt động đối thoại bắt buộc theo quy định của pháp luật và đa dạng hóa các hình thức đối thoại khác. Tham gia xây dựng và giám sát có hiệu quả việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở.

TS Nguyễn Thu Hằng, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thảo luận tại Diễn đàn.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh Dương Đại Lộc thạm luận với nội dung: Vai trò của Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong việc thực hiện tốt công tác đối thoại, thương lượng tập thể, tổ chức thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp

Theo ông Lộc, trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Công đoàn tỉnh Tây Ninh đã tập trung nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT trong các doanh nghiệp. Bình quân số lượng doanh nghiệp có ký kết TƯLĐTT đạt trên 88,83%, có 53,1% bản thỏa ước được xếp loại A, B, cao hơn bình quân chung của cả nước.

Đạt được kết quả nêu trên, có vai trò rất lớn của Chủ tịch CĐCS tại doanh nghiệp. Chủ tịch CĐCS đã thực hiện rất nhiều công việc khó khăn, vất vả để đạt được kết quả đối thoại, thương lượng có lợi cho NLĐ, cụ thể như: Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc; xây dựng chương trình phát động các phong trào thi đua gắn chặt với các mục tiêu, định hướng, kế hoạch sản xuất - kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp;…

Đồng thời, Chủ tịch CĐCS thường xuyên và định kỳ tập hợp ý kiến của đoàn viên, người lao động để trao đổi, đối thoại, thương lượng các nội dung để xây dựng TƯLĐTT. Trên cơ sở lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động, thống nhất với Ban Chấp hành đề xuất những nội dung cần phải đối thoại, thương lượng trên cơ sở điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để chọn lọc nội dung đề nghị đối thoại thương lượng với người sử dụng lao động…

Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của Chủ tịch CĐCS nhằm nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể của các cấp Công đoàn trong nhiệm kỳ tới, tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tây Ninh đã đề đạt một số kiến nghị.

Trong đó, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tập trung tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng đối thoại, đàm phán, thương lượng cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước, trang bị cơ bản kiến thực pháp luật lao động và công đoàn, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác chính sách, pháp luật và quan hệ lao động đủ năng lực để hỗ trợ cán bộ Công đoàn trong công tác đối thoại, thương lượng tập thể.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp, nhất là Chủ tịch CĐCS phải có năng lực tập hợp quần chúng, liên hệ mật thiết với đoàn viên, người lao động; am hiểu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; nhiệt tình, trách nhiệm với công tác; có kỹ năng trong hoạt động, nhất là kỹ năng trong việc đối thoại, thương lượng tập thể để giải quyết thấu đáo những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động...

Theo Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thị Thanh Hà, những ý kiến tại Diễn đàn thảo luận số 3 sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp và báo cáo đầy đủ tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, làm cơ sở quan trọng để Đại hội đánh giá, thảo luận và đề ra nhiệm vụ, giải pháp và các hoạt động trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/chat-luong-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-la-chia-khoa-tang-nang-suat-lao-dong-va-thu-nhap-163378.html