Chàng trai người Dao làm giàu nhờ nuôi dúi
Sau gần 6 năm kiên trì với mô hình nuôi dúi, anh Bàn Văn Hồng (người dân tộc Dao, trú tại thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khởi nghiệp từ nuôi dúi
Chúng tôi về xã Kỳ Thượng - một trong những xã miền núi xa xôi nhất của TP Hạ Long để thăm trại dúi của anh Bàn Văn Hồng (người dân tộc Dao, trú tại thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Anh Hồng chính là một trong những gương thanh niên năng động, sáng tạo, ham học hỏi và khởi nghiệp thành công từ con dúi, mở ra hướng phát triển mới cho nhiều người dân nơi xã vùng cao.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp từ con dúi, anh Hồng cho biết: Sau một thời gian tự tìm tòi, học hỏi trên mạng, đến đầu năm 2018, tôi quyết tâm chi toàn bộ số tiền đã tích cóp được để mua 40 đôi dúi và xây dựng chuồng nuôi với niềm tin “phải khởi nghiệp, phải làm giàu”.
Dúi là loại động vật khá dễ nuôi, thức ăn ưa thích là các loại cây thuộc họ tre, mía, ngô, cỏ voi… Đặc biệt, đây là loại vật ưa bóng tối nên cần hạn chế tối đa ánh sáng và tiếng ồn. Thông thường, mỗi năm dúi mẹ sinh sản khoảng 3 lứa, mỗi lứa từ 4-6 con. Đối với dúi thịt, sau 6-8 tháng sẽ có trọng lượng từ 1-1.5 kg và có thể bán ra thị trường.
“Toàn bộ kiến thức đều do tôi tự tìm hiểu trên mạng, ban đầu tôi gặp phải rất nhiều khó khăn, nhất là việc dúi hoang mới về dễ lạ hơi người, dẫn đến việc cắn chết con sau sinh. Cùng với đó, do chưa biết cách chăm sóc khi dúi bị bệnh, ghép đôi… nên hiệu quả kinh tế chưa cao”, anh Hồng nhớ lại khó khăn thời gian mới khởi nghiệp.
Đúc rút kinh nghiệm qua nhiều lần nuôi dúi, đến nay anh Hồng đã kiểm soát được các loại bệnh của dúi, đồng thời sáng tạo thêm những cách làm hay để tăng năng suất, chất lượng đàn dúi của mình.
“Ví dụ như dúi gãy răng thì tôi sẽ dùng kìm để cắt bằng, sau đó cho ăn thức ăn mềm như cơm, mía, cỏ voi… Còn với tình trạng đau bụng thì tôi dùng thuốc tiêu hóa cho gia cầm. Đối với các vấn đề của dúi, tôi đều có thể tự xử lý”, anh Hồng chia sẻ.
Theo đánh giá của anh Hồng, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình nuôi dúi chính là quá trình ghép đôi bố mẹ và chăm sóc dúi mẹ trong quá trình sinh sản. Bởi lẽ, khi dúi mẹ có dấu hiệu mang thai, cần phải nhanh chóng tách riêng, sau đó có chế độ chăm sóc, ăn uống phù hợp để duy trì sức khỏe.
Mở ra hướng phát triển kinh tế
Từ 40 đôi dúi giống ban đầu, đến thời điểm hiện tại, đàn dúi của anh Hồng đã lên tới 200 con. Ước tính, mỗi năm anh Hồng xuất ra thị trường 400-500 con với mức giá bán dúi hiện nay khoảng 650.000 đồng/kg. Đối với cặp dúi bố mẹ thì giá thành là 1.500.000 đồng. Theo ước tính, anh Hồng thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi dúi.
“Trước đây, kinh tế gia đình khá khó khăn do chỉ phụ thuộc vào việc trồng keo, làm nương rẫy. Tuy nhiên sau khi nuôi dúi, nguồn thu nhập đã ổn định và khá hơn trước rất nhiều. Tôi có đồng ra đồng vào để chăm lo cho gia đình, lo cho các cháu đi học. Trong nhiều thời điểm, tôi còn không đủ hàng để bán cho khách do nhu cầu tiêu thụ ngày càng nhiều”, anh Hồng chia sẻ.
Trong thời gian tới, anh Hồng dự định sẽ mở rộng quy mô, xây dựng thêm chuồng để thuận tiện trong việc chăm sóc dúi và phục vụ cho khách đến xem, thu mua.
Với hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình nuôi dúi của anh Hồng dần trở thành hướng đi mới được nhiều người dân địa phương quan tâm và học hỏi.
Chia sẻ với PV Báo Đại Đoàn Kết, chị Bàn Thị Liên, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kỳ Thượng cho biết: “Anh Bàn Văn Hồng là gương mặt thanh niên tiêu biểu của xã Kỳ Thượng với mô hình nuôi dúi thành công, đây cũng mô hình trọng tâm sẽ được xã nhân rộng trong thời gian tới. Với kinh nghiệm trong nuôi dúi và phát triển trang trại, anh Hồng đã và đang giúp đỡ rất nhiều người trong việc tìm hiểu về nghề nuôi dúi, từ đó mang lại nguồn thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chang-trai-nguoi-dao-lam-giau-nho-nuoi-dui-10276144.html