Chân dung 'thần đồng máy tính' Italy sắp được phong thánh

Carlo Acutis, qua đời vào năm 2006 khi vừa tròn 15 tuổi, sắp trở thành người thuộc thế hệ Y đầu tiên được Giáo hội Công giáo phong thánh. Đây là một hành trình kéo dài 4 năm.

Giáo hoàng Francis ngày 23/5 đã ra sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai sau khi qua đời của Carlo Acutis, giúp thiếu niên này đủ điều kiện phong thánh.

Động thái này sẽ mở đường cho "thần đồng máy tính" đã khuất của Italy trở thành người đầu tiên thuộc thế hệ Y (những người sinh từ 1981 đến 1996) được phong thánh.

Qua đời vào năm 2006 khi vừa tròn 15 tuổi, Carlo Acutis đã được phong á thánh (hay còn gọi là tuyên chân phước) vào năm 2020 sau khi được công nhận một “phép lạ”.

 Carlo Acutis được phong á thánh (chân phước) năm 2020 và hiện được Giáo hoàng ghi nhận "phép lạ" thứ hai. Ảnh: Vatican.

Carlo Acutis được phong á thánh (chân phước) năm 2020 và hiện được Giáo hoàng ghi nhận "phép lạ" thứ hai. Ảnh: Vatican.

Trong Công giáo, các tín đồ có thể cầu nguyện với những người đã khuất mà họ tin là đang ở thiên đường. Người này sẽ thay mặt họ nói chuyện với Chúa và xin ngài đáp ứng lời cầu xin của các tín đồ, ví dụ như chữa khỏi bệnh cho ai đó.

Trong trường hợp người bệnh trong lời cầu nguyện bất ngờ bình phục, Giáo hội Công giáo sẽ xem đây là một “phép lạ”. Một người đã khuất hội tụ đủ 2 “phép lạ” và được Giáo hoàng công nhận thì sẽ đủ điều kiện để được phong thánh.

Á thánh Carlo

Carlo là một thiếu niên với những sở thích giống như nhiều bạn bè đồng trang lứa. Anh thích chơi Pokemon, Maria và quay video về những chú chó của mình. Carlo thích mang giày Nike, quần jean và hiểu biết về Internet, theo The New York Times.

Mẹ của Carlo - bà Antonia Acutis - miêu tả con trai mình là một thiếu niên “tốt bụng và luôn dừng lại trò chuyện, giúp đỡ những người vô gia cư khi gặp họ trên đường về nhà”. Trong đám tang của Carlo, bà kể nhà thờ đầy ắp những người đã từng được anh giúp đỡ,

 Qua đời vào năm 2006 khi vừa tròn 15 tuổi, thiếu niên Italy Carlo Acutis đã được phong á thánh (hay còn gọi là tuyên chân phước) vào năm 2020. Ảnh: Courtesy.

Qua đời vào năm 2006 khi vừa tròn 15 tuổi, thiếu niên Italy Carlo Acutis đã được phong á thánh (hay còn gọi là tuyên chân phước) vào năm 2020. Ảnh: Courtesy.

Trước khi qua đời ở tuổi 15 vì bệnh bạch cầu, Carlo còn được biết đến như một “thần đồng Internet”. Theo bà Acutis, anh bắt đầu học về khoa học máy tính, thiết kế đồ họa và kỹ thuật lập trình từ năm 9 tuổi. Trong những tháng cuối đời, anh còn dành thời gian tạo ra một trang web để lưu trữ những “phép lạ” từng xảy ra trên thế giới.

“Khi bạn nghĩ Internet toàn những điều tiêu cực và đen tối, hãy nhớ đến con tôi như một tia sáng ấm áp - người đã dùng Internet để lan tỏa những điều tích cực”, bà nói. Thậm chí, theo bà Acutis, nhiều người còn gọi Carlo là “influencer của Chúa”.

Sau khi Carlo qua đời, giáo phận Assisi, nơi gia đình anh sinh sống, đã thỉnh cầu Tòa thánh Vatican công nhận Carlo là một vị thánh. Sau đó, Giáo hội Công giáo đã nghiên cứu email cùng lịch sử tìm kiếm trên máy tính của anh và phỏng vấn các nhân chứng. Cuối cùng, họ chỉ chờ đợi những “phép lạ” để chính thức phong thánh cho Carlo.

 Thi thể của Carlo được trưng bày trong nhà nhờ. Ảnh: Courtesy.

Thi thể của Carlo được trưng bày trong nhà nhờ. Ảnh: Courtesy.

Theo mẹ Carlo, nhiều tín đồ ở nhiều nơi trên thế giới đã kể cho bà nghe về những “phép lạ” mà họ cho rằng đã xảy ra sau khi cầu nguyện với Carlo.

Cho đến tháng 2/2020, Giáo Hoàng Francis đã công nhận Carlo chính là người đã ban “phép lạ” cho một cậu bé người Brazil bị dị tật tuyến tụy. Theo ghi nhận, cậu bé này đã bất ngờ hồi phục sau khi tiếp xúc với một chiếc áo sơ mi của Carlo. Nhờ đó, Carlo Acutis đã trở thành á thánh gen Y đầu tiên vào ngày 10/10/2020.

Dù vậy, vào thời điểm đó, nhiều người vẫn cho rằng việc Carlo có được phong thánh hay không vẫn chưa thể xác định. “Khoảng cách từ á thánh đến thánh là rất xa, có nhiều người còn không thể hoàn thành hành trình này. Một số vị thánh, ví dụ như Joan of Arc, chỉ được phong thánh sau khi qua đời hàng trăm năm”, Kethleen Sprows Cummings, giáo sư lịch sử Mỹ đồng thời là Giáo đốc Trung tâm Nghiên cứu Công giáo Mỹ Cushwa tại Đại học Notre Dame, cho biết.

“Phép lạ” thứ hai

Theo The New York Times, dù chưa được phong thánh, Carlo vẫn được người Công giáo xem như “người bảo trợ cho Internet” vì anh từng sử dụng công nghệ này để chia sẻ đức tin trong những tháng cuối cùng của cuộc đời.

 Các giáo sĩ tham dự Thánh lễ phong á thánh (chân phước) cho Carlo Acutis. Ảnh: Giáo phận Assisi.

Các giáo sĩ tham dự Thánh lễ phong á thánh (chân phước) cho Carlo Acutis. Ảnh: Giáo phận Assisi.

Đến ngày 23/5, Giáo hoàng Francis đã phê chuẩn cho “phép lạ” thứ hai của Carlo. Theo Vatican, “phép lạ” lần này liên quan đến một sinh viên người Costa Rica bị chấn thượng nặng ở đầu sau một vụ tai nạn giao thông. Để sống sót, nữ sinh viên cần được phẫu thuật đại não trong thời gian sớm nhất. Dù vậy, các bác sĩ đã cảnh báo về tỷ lệ sống sót “rất thấp” của cô.

Mẹ của nữ sinh viên đã đến cầu nguyện tại ngôi mộ của Carlo để mong con gái qua khỏi. Sau đó, Vatican cho biết cô gái trẻ đã có dấu hiệu cải thiện về hơi thở, có khả năng vận động và nói. Mười ngày sau khi mẹ cô cầu nguyện trước mộ á thánh Carlo, vết xuất huyết trên não của nữ sinh viên đã biến mất. Hiện nay, cô đã được chuyển đến cơ sở phục hồi chức năng với tình trạng tốt lên trông thấy.

Giáo hoàng Francis tuyên bố sẽ triệu tập một Hội nghị Hồng y để xem xét việc phong thánh cho Carlo. Hiện nay, Vatican vẫn chưa có thông báo chính thức về thời gian tổ chức lễ phong thánh.

 Nếu mọi thứ suôn sẻ, Carlo Acutis sẽ trở thành người đầu tiên thuộc thế hệ Y (những người sinh từ 1981 đến 1996) được phong thánh. Ảnh: Courtesy.

Nếu mọi thứ suôn sẻ, Carlo Acutis sẽ trở thành người đầu tiên thuộc thế hệ Y (những người sinh từ 1981 đến 1996) được phong thánh. Ảnh: Courtesy.

Theo giáo sư Cummings, việc Carlo - á thánh gen Y đầu tiên trong lịch sử - được phong thánh là “một cột mốc quan trọng”. “Carlo đã sử dụng Internet và kỹ năng lập trình của bản thân để truyền bá đức tin, giúp Giáo hội Công giáo có cái nhìn tích cực hơn về mạng xã hội và Internet”, bà phân tích. “Phong thánh cho Carlo cũng là một hành động tiếp cận với giới trẻ của Giáo hội, nhất là khi nhiều bạn trẻ đang xa rời nhà thờ”.

Linh mục Will Conquer, người đã viết về con đường phong thánh của Carlo, cho biết: “Khi chỉ là á thánh, Carlo đã là một hiện tượng toàn cầu. Bởi lẽ, anh được phong á thánh dù chỉ là một chàng trai gen Y bình thường. Giáo hội đang muốn truyền tải thông điệp về một vị thánh bình dân và có thể chạm đến”.

“Thật sự không có phép màu hay điều gì huyền bí trong cuộc đời của anh ấy”, linh mục Conquer nói. “Thành thật mà nói, ai cũng có thể làm được những điều mà Carlo từng làm. Và đó là điều giúp anh ấy trở thành một hiện tượng và được ủng hộ ở nhiều nơi”.

Đông Tùng

Theo The New York Times

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chan-dung-than-dong-may-tinh-italy-sap-duoc-phong-thanh-post1477097.html