Tấm vải liệm thành Turin dài khoảng 3m, rộng 1m, lưu giữ hình ảnh mờ nhạt của một người đàn ông mà các tín đồ Cơ Đốc giáo cho là hình Chúa Jesus. Nhiều người tin rằng, tấm vải được dùng để bọc xác Chúa Jesus sau khi hành hình.
Trong suốt nhiều năm qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học nỗ lực nghiên cứu nhằm xác định tấm vải liệm thành Turin có thực sự từng được dùng để liệm xác Chúa Jesus sau khi bị đóng đinh hay không.
Mới đây, Giáo sư Liberato De Caro đã công bố nghiên cứu về tấm vải liệm thành Turin hiện được lưu giữ, bảo quản tại thành phố Turin của Italy. Theo ông, hiện vật này không phải có niên đại vào thời Trung cổ như nhiều người vẫn nghĩ.
Giáo sư Liberato và các cộng sự cho hay tấm vải liệm thành Turin có niên đại khoảng 2.000 tuổi - trùng khớp với thời điểm Chúa Jesus sống và qua đời. Ông cho hay có nhiều bằng chứng trên tấm vải cho thấy có mối liên hệ với Chúa Jesus.
Trong đó, Dự án nghiên cứu Tấm vải liệm Turin (STURP) vào những năm 1970 - 1980 đã kết luận rằng, tấm vải liệm thành Turin thực sự có vết máu.
Các chuyên gia tham gia dự án trên phát hiện dấu vết của hemoglobin - protein giàu sắt tạo màu đỏ cho máu của con người trên tấm vải liệm thành Turin.
Đến năm 1981, báo cáo cuối cùng của STURP kết luận hình ảnh trên tấm vải liệm là bóng hình của một người đàn ông bị tra tấn và đóng đinh. Đây không phải là hiện vật bị làm giả.
Giáo sư Liberato đã tỉ mỉ nghiên cứu tấm vải liệm thành Turin và có phát hiện quan trọng. Ông cho hay những dấu vết trên tấm vải liệm tương ứng với vị trí vết thương khi Chúa Jesus bị đóng đinh. Chúa Jesus cũng có các vết thương do phải đội mão gai trên đầu cùng một số vết thương ở lưng.
Trước đó, các nhà sử học cho rằng, cây thánh giá - nơi Chúa Jesus bị đóng đinh nặng khoảng 136 kg. Theo đó, cơ thể Chúa Jesus có nhiều vết bầm tím khi bị tra tấn trên cây thánh giá.
Mời độc giả xem video: Bí ẩn tảng đá nghìn năm tuổi bị xẻ đôi như được cắt bằng laser.
Tâm Anh (theo Mail Online)