Chấm dứt thời kỳ kim cương Nga dễ dàng lách các lệnh trừng phạt?

Mỹ và Anh đã ban hành lệnh cấm vận mới nhất nhằm vào Moskva đó là không cho phép nhập khẩu trực tiếp kim cương thô từ Nga. Liệu 'đòn đánh' này có kết thúc thời kỳ dễ dàng lách luật của kim cương Nga?

Những lệnh cấm vận nhằm vào mặt hàng đá quý có xuất xứ từ Nga dự kiến sẽ khiến thị trường kim cương toàn cầu phải gánh chịu hậu quả nặng nề do nguồn cung thiếu hụt, dẫn tới giá thành tăng cao so với hiện nay.

Tuy vậy có vẻ phương Tây không quan tâm lắm đến hậu quả khi mới đây Liên minh Châu Âu đã chính thức đưa nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới của Nga là Công ty Alrosa thuộc sở hữu của doanh nhân Pavel Marinichev vào danh sách trừng phạt.

Điều cần phải nhấn mạnh đó là năm 2024 đã bắt đầu với việc gia tăng các hạn chế nhằm vào mặt hàng đá quý Nga, lệnh trừng phạt do Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới G7 (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý) đưa ra.

Phóng viên Sarah Kent của hãng tin CNN cho biết “Bỉ - trung tâm mua bán đá quý lớn nhất thế giới đã rất nỗ lực tiến hành các cuộc vận động hành lang để trì hoãn việc áp dụng lệnh trừng phạt đối với kim cương Nga do đây là mặt hàng sinh lợi lớn, nhưng nỗ lực của họ đã thất bại.

Tuy vậy có một sự thật cần phải nhắc đến, bất chấp việc Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu trực tiếp kim cương thô từ Nga ngay sau khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine, nhưng lệnh này không ảnh hưởng tới sản phẩm tinh chế.

Hiện tại những viên kim cương thô của Nga sau khi được mài giũa và đánh bóng vẫn dễ dàng lưu thông khắp thế giới trên cơ sở hoàn toàn hợp pháp, liệu điều này có sớm kết thúc?

Dự kiến từ tháng 9/2024, tất cả những viên kim cương tinh chế sẽ được cấp giấy chứng nhận trong đó ghi rõ xuất xứ từ kim cương thô mà chúng được tạo ra, biện pháp này áp dụng cả với mặt hàng đồng hồ và trang sức.

Chưa rõ bước đi mới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Moskva, bởi rõ ràng việc truy gốc kim cương thô và chế tác là một quá trình cực kỳ phức tạp, gần như chẳng thể nào truy xuất nguồn gốc xuất xứ của những viên đá quý nói trên.

Để khắc phục tình trạng này, Khối EU và G7 đang nỗ lực lôi kéo sự tham gia của các tổ chức quốc tế chuyên ngành nhằm phục vụ tham vọng của họ.

Cụ thể, Hội đồng kim cương quốc tế, Trung tâm kim cương thế giới Antwerp, Hội đồng xúc tiến xuất khẩu đá quý và trang sức Ấn Độ và Viện đá quý Mỹ đã được tham vấn nhằm đưa ra cơ chế đủ khả thi.

Không chỉ có vậy, phương Tây còn muốn sử dụng công nghệ hiện đại để xác minh nguồn gốc đá quý. Điển hình như Công ty De Beers đã phát triển hệ thống tiêu chuẩn của riêng mình, nhưng chưa có công nghệ nào đủ sức truy xuất nguồn gốc viên kim cương được đánh bóng.

Mặc dù vậy theo nhận xét từ giới chuyên môn, kim cương Nga chắc chắn sẽ gặp khó bởi nhiều doanh nghiệp thu mua sẽ “lảng tránh” hoặc cố gắng “ép giá”.

Nếu tình trạng trên xảy ra, dự báo sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm và trở thành một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực thời trang và hàng xa xỉ, khi khoảng 1/3 kim cương trên thị trường được cung cấp bởi Nga.

Trước đó, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã đề xuất cấm nhập khẩu nhôm và khí tự nhiên hóa lỏng của Nga như một phần của gói trừng phạt thứ 13 do Liên minh châu Âu ban hành.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cham-dut-thoi-ky-kim-cuong-nga-de-dang-lach-cac-lenh-trung-phat-post565686.antd