Cấy ốc tai điện tử mang hi vọng cho trẻ bị điếc bẩm sinh
Thông tin từ bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết đã thực hiện phương pháp điều trị điếc bẩm sinh hiện đại nhất hiện nay là cấy ốc tai điện tử cho một bé gái 5 tuổi, ở Tân Yên, Bắc Giang.
Theo bệnh án, bệnh nhi Chúc Minh Tâm bị điếc bẩm sinh do mẹ cháu trong thời gian mang thai bị nhiễm rubella ở tháng thứ 2. Từ năm 1 tuổi đến nay bệnh nhi đã đeo máy trợ thính nhưng không hiệu quả nên cháu nói rất khó khăn. Vì thế gia đình đã quyết định cho cháu bé phẫu thuật để cấy ốc tai điện tử.
PGS.TS Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho biết cấy ốc tai điện tử được chỉ định cho những bệnh nhân giảm thính lực mức độ nặng và sử dụng máy trợ thính không hiệu quả. Có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt ở nhóm trẻ em nghe kém nặng bẩm sinh.
Nếu như trước kia, để giao tiếp, trẻ điếc bẩm sinh chỉ được dạy phương pháp nhìn khẩu hình người khác để đoán nghĩa, chứ không thể nghe và nói nên trẻ khó hòa nhập cộng đồng khi trưởng thành. Còn với phương pháp cấy ốc tai điện tử, vấn đề trẻ điếc bẩm sinh có thể được khắc phục. Người bệnh được đặt một thiết bị chuyển đổi âm thanh thành những tín hiệu điện và một điện cực chuyển các tín hiệu điện vào trong ốc tai, kích thích thần kinh thính giác chuyển thành các xung động thần kinh lên não khiến người bệnh có thể nghe được âm thanh.
Bệnh nhi sau khi cấy ốc tai điện tử sẽ phải trải qua thời gian phục hồi chức năng nghe nói và tỷ lệ nghe nói của trẻ sau cấy ốc tai điện tử là 100%. Trẻ bị điếc bẩm sinh sau cấy ốc tai có thể đi học, giúp chúng có cơ hội phát triển như những trẻ bình thường, giảm một phần tỷ lệ trẻ bị tàn tật, giảm gánh nặng cho xã hội, đem lại cuộc đời mới cho người bệnh và gia đình của họ.
Được biết, trước đó, BV Đại học Y Hà Nội đã thực hiện gần 100 ca mổ cấy ghép ốc tai điện tử với tỉ lệ thành công 100%. Những trẻ được cấy ghép từ đầu năm 2010 nay đã đi học lớp 1-2 và hòa nhập cuộc sống bình thường.
Giải thích về rất ít trường hợp được cấy ghép ốc tai điện tử tại bệnh viện và trên cả nước, PGS.TS. Thành cho biết có nhiều lý do trong đó chi phí quá cao (350 - 700 triệu/ca) nhưng lại chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ là trở ngại chính khiến hàng nghìn trẻ điếc sinh ra mỗi năm không được tiếp cận với kỹ thuật mới này.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cay-oc-tai-dien-tu-mang-hi-vong-cho-tre-bi-diec-bam-sinh-89392.html