Cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn' gây xúc động

Chương trình cầu truyền hình 'Vang mãi khúc khải hoàn' với những phóng sự, hoạt cảnh, tiết mục nghệ thuật ý nghĩa đã mang đến một hành trình lịch sử đầy cảm xúc.

Chương trình cầu truyền hình Vang mãi khúc khải hoàn, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) với sự tham gia của hơn 1.200 người vào tối 27/4 đã mang đến một hành trình lịch sử đầy cảm xúc, tự hào và ý nghĩa.

Sự kiện được tổ chức tại 3 điểm cầu lịch sử là Hà Nội: Công viên Thống Nhất, đường Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng; Quảng Trị: Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; và TP.HCM: công viên Bờ sông Sài Gòn, thành phố Thủ Đức.

Thông điệp tự hào về khát vọng thống nhất

Do Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chương trình nhằm lan tỏa ý nghĩa của Đại thắng Mùa Xuân 1975, khơi dậy niềm tin và lý tưởng cách mạng, tiếp thêm động lực cho hành trình hội nhập và hiện đại hóa đất nước.

Chương trình mở đầu với MV Con đường ta chọn, quy tụ 50 nhân vật nổi bật từ nhiều lĩnh vực, những người có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Tại các điểm cầu, các diễn viên hóa thân thành nhiều nhân vật lịch sử, tái hiện sống động các giai đoạn đấu tranh của dân tộc.

Chương trình gồm 3 phần chính: Khát vọng hòa bình, Ý chí độc lập thống nhất và Tự hào ta đi lên! Ôi Việt Nam.

Phần đầu tiên, Khát vọng hòa bình khởi đầu bằng tiết mục Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên và nghệ sĩ Khánh Linh trình bày, kết hợp với các thước phim tư liệu tái hiện bối cảnh lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tiếp đó, những hoạt cảnh như Vọng cổ: Ký ức, Giải phóng miền Nam, cùng phóng sự về sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam… đã khắc họa tinh thần kiên cường của dân tộc trong 20 năm chiến đấu.

Trong đó, phóng sự về Đường Trường Sơn nhấn mạnh vai trò của tuyến đường này trong việc vận chuyển xăng dầu hỗ trợ chiến trường miền Nam, được nhà báo Pháp Jacques C. Despuech mô tả như “một mạng nhện muôn ngả”, là công cụ tiếp vận quân sự quan trọng, được xây dựng bởi ý chí của thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Xuyên suốt chương trình, hàng nghìn nghệ sĩ tham gia các tiết mục nghệ thuật và hoạt cảnh, tái hiện hình ảnh những thanh niên tuổi đôi mươi sẵn sàng ra tiền tuyến với tinh thần “Sống bám đường bám cầu, chết kiên cường dũng cảm”, “Địch đánh ngày thì ta làm đêm”. Các khung cảnh về công trường, nông trường miền Bắc, cùng không khí hào hùng của những ngày lịch sử, cũng được khắc họa rõ nét, thể hiện tinh thần đoàn kết vì miền Nam.

Qua các phóng sự như Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Bối cảnh lịch sử đất nước sau Hiệp đinh Genève, Trận đánh Xuân Lộc - Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất hay Thành tựu của đất nước sau 50 năm thống nhất, đặc biệt là 40 năm đổi mới… chương trình tái hiện trang sử hào hùng của dân tộc, thể hiện những bài học lịch sử, tinh thần đoàn kết, đồng thời nêu bật được thành tựu của đất nước trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển.

Hình ảnh trong chương trình. Ảnh: VTV.

Hình ảnh trong chương trình. Ảnh: VTV.

Những câu chuyện xúc động, hào hùng

Một điểm nhấn cảm xúc là câu chuyện của cựu chiến binh Trần Văn Thanh, 76 tuổi, từ Nghệ An. Dù đã cao tuổi, ông vẫn một mình đi xe máy từ Vinh vào TP.HCM để xem lễ diễu binh, với mong muốn được nhìn ngắm đất nước thời bình mà ông và đồng đội từng sẵn sàng hy sinh để giành lấy. Hình ảnh người cựu chiến binh, khoác trên mình màu áo xanh, rong ruổi khắp các tỉnh thành của đất nước, trên một chiếc xe máy cũ đã gây xúc động và truyền cảm hứng mạnh mẽ về tinh thần yêu nước, lòng biết ơn thế hệ đi trước.

Chương trình cũng kể lại câu chuyện về bức thư của 3 chiến sĩ giải phóng quân: Lê Hoàng Vũ, Nguyễn Chí và Trần Viết Dũng, thuộc Trung đội “Ký Con”, Trung đoàn Bình Giã.

Trước khi hy sinh tại một cánh rừng ở thượng nguồn sông Đồng Nai, họ để lại bức thư gửi hậu thế, với những dòng đầy ý nghĩa.

Bức thư có đoạn viết: "Chúng tôi mong được ghi nhận rằng chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn. Còn như chúng tôi được phát hiện muộn hơn sau 5 năm – 10 năm – tự do quý giá, thì xin cho chúng tôi – gởi đến những người đang sống, sống đúng ý nghĩa của nó, trong một thời đại vinh quang, lời biết ơn sâu sắc vì các bạn đang làm cho cái chết của chúng tôi giữ được đầy đủ ý nghĩa".

Bức thư còn gửi gắm niềm hy vọng đến các thế hệ sau, bày tỏ niềm vui nếu đất nước đạt được hòa bình và hạnh phúc. Những dòng thư này đã khiến nhiều khán giả tại các điểm cầu xúc động.

"Các bạn đang lao động quên mình cũng như chúng tôi đã chiến đấu quên mình cho đất nước ta ngày nay tươi đẹp, cho dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc, cho xã hội ta ngày càng dân chủ công bằng. Hay trong trường hợp đến 50-100 năm sau, thư này mới tới những người, có thể gọi là thế hệ mai sau, thì cho phép chúng tôi gửi lời chào xã hội chủ nghĩa, cho phép chúng tôi bày tỏ vui mừng tuyệt diệu vì hạnh phúc và hòa bình đang tràn ngập hành tinh chúng ta mà chúng tôi trở thành những hạt bụi có ích. Và hơn thế nữa nếu được, cho chúng tôi gửi lời chào niềm nở nhất đến những con người ở những vì sao xa xôi, những người bạn mới giữa các hành tinh".

Chương trình khép lại với phóng sự về thành tựu đất nước sau 50 năm thống nhất và 40 năm đổi mới, cùng tiết mục mashup Một vòng Việt Nam – Nối vòng tay lớn do các nghệ sĩ tại ba điểm cầu trình bày. Màn bắn pháo hoa trên nền nhạc đầy cảm hứng đã tạo nên cái kết trọn vẹn, để lại dư âm sâu sắc.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-truyen-hinh-vang-mai-khuc-khai-hoan-gay-xuc-dong-post1549301.html