Câu chuyện hôm nay: Giáo dục Tây Nguyên - Hứa hẹn bứt phá từ vùng đất tiềm năng

Tây Nguyên là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của nước ta. Bằng những chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực tự thân của vùng, Tây Nguyên đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng để có một Tây Nguyên phát triển tương xứng với tiềm năng, rất cần một sự bứt phá trong chính sách về giáo dục và đào tạo cho cả vùng.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của vùng Tây Nguyên xếp thứ 5 trên 6 vùng của cả nước, chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tuy nhiên, đây lại là một trong những vùng có tốc độ phát triển giáo dục ngoài công lập cao nhất cả nước. Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 261 cơ sở giáo dục Mầm non, phổ thông ngoài công lập, tăng 150 cơ sở giáo dục so với cách đây 10 năm. Các trường ngoài công lập đã thu hút được số lượng lớn người học, góp phần giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập và ngày càng nâng cao chất lượng. Đặc biệt, một số trường phổ thông tư thục liên cấp chất lượng cao như Trường Hoàng Việt, Trường Victory đã tham gia và có học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế.

Hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Tất cả các xã đều có trường tiểu học; các điểm trường, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn, bản, buôn, sóc vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em dân tộc thiểu số trong độ tuổi đều được đi học. Đáng chú ý là tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường của Tây Nguyên đạt 99,6% - cao hơn so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc. 100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày - cao hơn bình quân cả nước.

Với một vùng đất có tới 52 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, quan tâm phát triển giáo dục dân tộc không chỉ là thực hiện nhiệm vụ đảm bảo công bằng, mà còn góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực tốt cho Tây Nguyên. Ở tất cả các huyện có từ 10.000 người dân tộc thiểu số trở lên đều có trường phổ thông dân tộc nội trú. Chất lượng giáo dục các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và trường phổ thông có học sinh bán trú có nhiều chuyển biến rõ rệt, góp phần làm thay đổi tích cực chất lượng giáo dục chung ở vùng Tây Nguyên.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Phan Hằng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-giao-duc-tay-nguyen-hua-hen-but-pha-tu-vung-dat-tiem-nang