Câu chuyện bát phở và bài học ứng xử trên mạng xã hội
Câu chuyện một tiktoker mới đây 'tố' một chủ quán phở tại phố cổ Hà Nội có hành vi kỳ thị người khuyết tật mấy hôm nay bao phủ hầu như khắp các nền tảng mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông báo chí. Câu chuyện có lẽ ban đầu với tiktoker kia chỉ đơn giản là 1 content tăng tương tác, cũng có thể là một bài viết để được mọi người để ý, quan tâm hơn hoặc cũng có thể là bài viết chủ quan với cảm nhận 1 chiều của tác giả không có ác ý… Nhưng câu chuyện lại trở thành drama.
Rất nhiều người quan tâm, theo dõi câu chuyện này. Nhiều người phẫn nộ, bức xúc và không ít người đòi tẩy chay quán phở đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội. Khi câu chuyện trở lên quá ồn ào, người chủ quán phở lên tiếng, đồng thời trích xuất camera để minh chứng cho việc bà không hề có ác ý, cũng không hề có hành vi kỳ thị người khuyết tật.
Và câu chuyện tiếp tục đi xa hơn nữa khi các cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc xác minh. Có nhiều tình huống xảy ra trong câu chuyện này. Đúng sai thuộc về ai chờ cơ quan chức năng kết luận. Nếu người bán phở kỳ thị người khuyết tật, dĩ nhiên, bà chủ quán phở sẽ đối diện với án phạt. Vì hành vi kỳ thị người khuyết tật là 1 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Nghị định 130/2021/NĐ-CP. Còn nếu tiktoker kia phản ánh không đúng sự thật, thì cậu ta cũng bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, thậm chí còn bị xử lý hình sự.
Như vậy, đúng sai đã có chế tài của pháp luật phân xử và xử lý. Điều đáng nói đó là những hành vi, ứng xử của phần đông “cư dân” mạng xã hội. Sự việc đẩy đi xa đến vậy, phần lớn là do “công” của cộng đồng mạng. Sự phát triển quá nhanh của các phương tiện truyền thông mới, với môi trường mạng xã hội được coi là thế giới ảo, cho phép con người được sống trong tình trạng ẩn danh. Mạng xã hội khiến người ta tiếp cận tin tức một cách cực nhanh, đồng thời cũng tạo cho người ta những phản ứng quá nhanh với các tin tức ấy mà chưa tư duy, cân nhắc.
Bởi quá nhanh, bởi chạy đua với thông tin, người ta phản ứng bằng cảm xúc dựa trên cảm tính nhiều hơn lý trí. Đó là cơ chế tạo điều kiện cho người sử dụng mạng xã hội ảo tưởng quyền lực, tự cho mình có quyền của thẩm phán. Không ai nghĩ rằng, sở dĩ có chuyện những cá nhân “ngáo quyền lực” trên mạng xã hội, sở dĩ có những “content bẩn” là bởi do có sự cổ súy của cộng đồng mạng.
Như thế, để xảy ra những chuyện thế này, trách chủ thể 1, thì chính chúng ta cũng nên xem lại hành vi ứng xử của mình trên mạng xã hội. Bởi rõ ràng lỗi sai này không chỉ của riêng ai.