Cao tốc 'cán đích' thu phí không dừng

Từng là vướng mắc khó xử lý khiến dự án thu phí không dừng nhiều lần trễ hẹn, sau khi được tháo gỡ cơ chế, bốn tuyến cao tốc do Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành lắp đặt các làn thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC) trên tuyến và chính thức vận hành từ 1/8/2022, gỡ bỏ nút thắt cuối cùng của thu phí không dừng trên toàn quốc.

Sáng 1/8, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức triển khai dịch vụ thu phí điện tử tự động không dừng (ETC).

Theo thống kê từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tính đến cuối tháng 6/2022, 100% làn ETC (chiếm khoảng 80% tổng số trạm thu phí) đã được lắp đặt, hơn 3 triệu phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc). Theo dự kiến đến tháng 9/2022 tỷ lệ phương tiện dán thẻ, tham gia dịch vụ đạt khoảng 80% số phương tiện trên cả nước.

Ông Trương Việt Đông - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết: Hiện nay, VEC đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác bốn tuyến cao tốc với chiều dài khoảng 490km. Chỉ tính riêng bốn tuyến cao tốc này đã có tổng lưu lượng trên 100.000 lượt xe/ngày, chiếm tỷ trọng khoảng 50% lưu lượng cao tốc của cả nước. Vượt qua khó khăn do tỷ lệ dán thẻ ETC không đồng đều giữa các khu vực, đặc biệt khu vực các tỉnh phía Nam rất thấp (dưới 65%), bốn tuyến cao tốc đều đạt kết quả tích cực trong những ngày đầu vận hành. Tỷ lệ ETC tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình; Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đạt mức 80% và 60% và cải thiện từng ngày. Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6 - 7 lần so với hình thức thu phí một dừng.

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có chiều dài 245km, là tuyến cao tốc đầu tiên không nằm trong hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông và là tuyến cao tốc kết nối với Tây Bắc duy nhất trên cả nước đưa vào vận hành hệ thống thu phí ETC. Nội Bài - Lào Cai hiện vẫn giữ kỷ lục về chiều dài tuyến và có nhiều trạm thu phí nhất cả nước. Theo ước tính của VEC, mỗi ngày tuyến Nội Bài - Lào Cai đang có trung bình từ 17.000 đến 20.000 lượt lưu thông. Hiện, hệ thống thu phí ETC đã được lắp đặt tại tất cả 15 trạm thu phí trên tuyến, bảo đảm năng lực thông hành. Hệ thống thu phí ETC tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật chung với hệ thống thu phí ETC sử dụng công nghệ RFID (nhận sóng vô tuyến) được Bộ GTVT quy định và các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan khác, đảm bảo tính đồng bộ và khả năng kết nối liên thông với hệ thống thu phí ETC trên toàn quốc.

Thời gian qua trạm trên làn ETC đối với xe đủ tiêu chuẩn được ghi nhận rút ngắn 6 - 7 lần so với hình thức thu phí một dừng.

Là một trong 5 tỉnh, thành phố có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua (gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai), Phú Thọ có tới gần 50km đường cao tốc và 5 trạm thu phí. Việc đưa vào khai thác hệ thống ETC trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí cho chủ phương tiện, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho công tác quản lý, giám sát.

Nhiều tài xế đánh giá rất cao việc thu phí không dừng trên cao tốc, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi không còn phải chờ đợi, rút ngắn thời gian so với phương thức thu phí thủ công như trước đây. Anh Nguyễn Anh Tú – lái xe taxi tại thành phố Việt Trì cho biết: “Tôi thường xuyên đưa khách đi sân bay Nội Bài và ngược lại nên chọn lộ trình cao tốc Nội Bài – Lào Cai, trung bình mỗi tuần phải qua trạm thu phí hàng chục lần. Hôm nay tôi rất vui vì làn thu phí không dừng được đưa vào hoạt động, tôi sẽ được qua trạm nhanh chóng và thuận tiện hơn, tiết kiệm nhiều thời gian di chuyển".

Hiện tại, các phương tiện không dán thẻ ETC và không nạp tiền vào tài khoản thu phí sẽ không được lưu thông vào đường cao tốc. Số tiền tối thiểu chủ phương tiện/người tham gia giao thông cần nạp vào tài khoản thu phí phải đủ để thực hiện một giao dịch (tương ứng với số tiền thanh toán một lần cho chiều dài quãng đường phương tiện lưu thông). Các đơn vị cung cấp dịch vụ ETC vẫn đang tích cực triển khai việc dán thẻ ETC cho ô tô. Chủ xe có thể lựa chọn và liên hệ với đơn vị phát hành. Trong đó với thẻ ePass do Viettel cung cấp, chủ xe có thể đến các cửa hàng trong hệ thống Viettel Store; đến các trung tâm đăng kiểm đối với thẻ eTag của VETC cung cấp hoặc đến các trạm thu phí trên toàn quốc để liên hệ nhân viên tại trạm hỗ trợ dán thẻ. Trong thời gian tới, VEC sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, Cục Cảnh sát giao thông trong công tác phân làn, phân luồng điều tiết giao thông, giải quyết các sự cố phát sinh; xử lý các phương tiện không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ ETC khi tham gia lưu thông trên đường cao tốc.

Có thể khẳng định, việc triển khai thành công thu phí ETC hoàn toàn từ ngày 1/8 đã tạo bước ngoặt ngành ETC Việt Nam, là động lực thúc đẩy giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ vào giao thông nội đô, cảng hàng không, cảng biển, thúc đẩy văn minh và tiến bộ xã hội.

Hiếu Nghĩa

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/cao-toc-can-dich-thu-phi-khong-dung/185872.htm