Cao tốc Bắc - Nam 'vượt bão' trên đường về đích
Trong số 10 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam đang triển khai thi công, có 4 dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022. Công tác thi công đang được các đơn vị, nhà thầu tích cực triển khai, tuy nhiên, yếu tố bất lợi có thể ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là vào mùa mưa, biến động giá vật liệu.
Để giúp dự án giao thông trọng điểm này về đích đúng hẹn, cần những giải pháp quyết liệt cũng như tranh thủ các điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ công việc.
Khắc phục điều kiện thời tiết bất lợi
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài hơn 652km, được chia thành 11 dự án thành phần. Đầu năm 2022, dự án thành phần đoạn Cao Bồ-Mai Sơn dài 15,2 km là đoạn tuyến đầu tiên hoàn thành và đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán, giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 1.
Trong 10 dự án thành phần còn lại đang triển khai thi công, có 4 dự án đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2022, gồm các đoạn: Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây. Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến đầu tháng 6-2022, 4 dự án này đạt sản lượng trung bình 59,7%, chậm 1,7% so với giá trị hợp đồng. Trong đó, hiện chỉ có dự án thành phần đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang bảo đảm tiến độ theo yêu cầu, các dự án còn lại đều bị chậm tiến độ từ 1,5 đến gần 4% so với giá trị hợp đồng. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến tiến độ là do thời tiết mưa nhiều khiến công trường bị đình trệ, tập kết vật liệu khó khăn.
Là một trong những đơn vị thi công của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, các hạng mục do Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) đảm nhận đang bám sát tiến độ đề ra. Phạm vi công việc của Binh đoàn 12 tại dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 gồm xây dựng 5km đường và 3 cây cầu, hiện đã đạt 72% khối lượng theo hợp đồng.
Dự kiến, đến tháng 9-2022, hạng mục cầu sẽ hoàn thành. "Rủi ro nhất về tiến độ là các đoạn phải xử lý nền đất yếu với tổng chiều dài khoảng 2,3km. Hiện nay, chúng tôi đã gia tải xong, đang chờ thời gian cố kết, tắt lún để dỡ tải và triển khai thi công. Các đoạn còn lại đã rải cấp phối và một số nơi đã bắt đầu thảm bê tông nhựa.
Càng vào giai đoạn nước rút, chúng tôi càng lo lắng về thời tiết, nếu trời mưa, công tác thảm bê tông nhựa và nhiều công việc khác không thể thực hiện được", Trung tá Trần Hữu Hoàn, Giám đốc Ban điều hành gói thầu 13-XL (dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45) cho biết.
Theo ghi nhận của Bộ GTVT, từ tháng 5-2022 đến nay, thời tiết khu vực miền Bắc diễn biến bất thường với số ngày mưa và lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm; phạm vi dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa có khoảng 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công.
Giải pháp được các đơn vị của Binh đoàn 12 thực hiện là tranh thủ ngày nắng để làm các hạng mục phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt là thảm mặt đường, nếu trời mưa nhỏ sẽ thi công hầm chui, cống. Đồng thời, tăng cường tập kết vật liệu cấp phối để tránh việc đường tiếp cận vào công trường ách tắc khi mưa dài ngày, nhờ vậy, vẫn chủ động công việc nếu công tác vận chuyển bị đình trệ.
Mốc thời gian dự kiến hoàn thành của dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Cam Lộ-La Sơn là tháng 9-2022. Thời gian không còn dài, dự án đã đạt hơn 87% so với giá trị hợp đồng nhưng nguy cơ chậm tiến độ vẫn hiện hữu. Chỉ trong hơn một tháng qua, khu vực các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có khoảng 22 ngày mưa.
Theo đại diện Ban quản lý dự án (QLDA) Đường Hồ Chí Minh, chủ đầu tư dự án, có những đợt mưa kéo dài 2-3 ngày, khi mưa dứt, nhà thầu phải chờ công địa khô ráo mới tiếp tục thi công được. Một số gói thầu đã làm đến phần móng mặt có thể chủ động hơn, chỉ cần ngắt mưa là triển khai tiếp. Với những gói thầu khác, sẽ theo dõi từng ngày, tận dụng tối đa những ngày thời tiết tốt để đẩy nhanh công việc. Đánh giá tiến độ dự án hiện nay đã không còn đường lùi, Ban QLDA Đường Hồ Chí Minh cùng các nhà thầu đang dồn lực để đưa 6/11 gói thầu hoàn thành trong tháng 6-2022, hướng tới đưa dự án về đích đúng hẹn.
Ứng phó với biến động giá vật liệu
Thời gian qua, biến động giá vật liệu xây dựng đã tác động trực tiếp đến các hạng mục công trình của dự án đường cao tốc Bắc-Nam. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng và việc triển khai thi công của nhà thầu, đặc biệt đối với các dự án sẽ hoàn thành năm 2022.
Hiện nay, các nhà thầu đang thực hiện lớp móng, mặt đường, cần huy động nguồn tài chính rất lớn nhưng nhiều địa phương thực hiện công bố chỉ số giá theo quý (đến nay mới công bố chỉ số giá quý IV-2021 hoặc quý I-2022) dẫn đến việc điều chỉnh giá chưa kịp thời, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng.
Đảm nhận thi công đoạn tuyến dài hơn 7km, thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, ông Lê Doãn Bắc, Chỉ huy trưởng thi công gói thầu 11-XL của Công ty Cường Thịnh Thi cho biết, giá vật liệu xây dựng tăng "phi mã", mỗi mét khối đá để rải lớp móng thời điểm bỏ thầu giá khoảng 101.000 đồng, nay đã tăng lên 150.000 đồng. Vật liệu nhựa đường lúc bỏ thầu giá mỗi mét vuông là 229.000 đồng, hiện đã tăng lên hơn 300.000 đồng. Chưa kể giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển cũng như các chi phí khác trên công trường. Theo phản ánh của một số nhà thầu, giá cả vật liệu có thời điểm đã tăng 20-30% trên thực tế nhưng mới được điều chỉnh giá trong khoảng 6-8%.
Để kịp thời điều chỉnh giá vật liệu theo diễn biến của thị trường, Bộ Xây dựng đã thành lập các đoàn kiểm tra, khảo sát, ban hành hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai. Bên cạnh việc cần sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh, Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương công bố chỉ số giá vật liệu xây dựng hằng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng. Qua đó, giúp tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu.
Cùng với những yếu tố khách quan, Bộ GTVT cũng nhìn nhận, một số nhà thầu của dự án cao tốc Bắc-Nam chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai thi công theo tiến độ yêu cầu. Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu đã tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hằng tuần, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các ban QLDA.
Đồng thời, yêu cầu các ban QLDA tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, thường xuyên có mặt tại hiện trường để điều hành, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Nhà thầu và ban QLDA ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án, kiểm soát tiến độ theo ngày/tuần/tháng, kiên quyết cắt chuyển khối lượng, bổ sung nhà thầu phụ, xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm theo quy định của hợp đồng. Với những giải pháp đang thực hiện, tiến độ dự án cao tốc Bắc-Nam được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực, sớm hoàn thành toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.