'Cánh tay nối dài' chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tập trung nguồn lực, ban hành nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, giao thông cách trở, người dân sinh sống ở một số vùng đặc biệt khó khăn vẫn khó tiếp cận các dịch vụ y tế. Trước thực trạng đó, các phòng khám quân dân y kết hợp của Quân đội, trong đó có lực lượng BĐBP trở thành 'cánh tay nối dài' hỗ trợ ngành y tế địa phương trong việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Bài 1: Tập trung nguồn lực chăm lo sức khỏe nhân dân
Có thể khẳng định, chủ trương phát triển, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách bảo hiểm y tế toàn dân là chính sách ưu việt của chế độ ta. Trong đó, có nhiều đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới... được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Mọi tầng lớp nhân dân đều có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, góp phần thực hiện bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội.
Những chủ trương nhân văn
Từ khi thành lập nước đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách tăng cường chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế toàn dân. Ngày 22/1/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Một văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng với nội dung riêng về y tế cơ sở, yêu cầu các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, đoàn thể quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng và lãnh đạo hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở đã có sự chuyển biến rõ rệt về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của y tế cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới. Các địa phương coi củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đã đề ra các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai... Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nước ta có trên 11.400 trạm y tế phường, xã, thôn bản. Mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, giữ vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật.
Cùng với việc đầu tư cho y tế cơ sở, Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu: “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt”.
Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra mục tiêu thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tính đến năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của nước ta đạt 92,03% dân số, trong đó có nhiều đối tượng được Nhà nước cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế như gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực biên giới, đặc biệt khó khăn...
Còn đó “vùng lõm” y tế cơ sở
Nhờ những chủ trương lớn về phát triển y tế cơ sở, chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, nước ta đang đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam tăng từ 71,3 (năm 2002) lên 73,6 (năm 2022), cao hơn trung bình thế giới (73) và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu lớn đã đạt được cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn còn những bất cập. Đặc biệt, ở các địa phương vùng cao, biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đây là địa bàn có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Trong đó, phải kể đến khu vực các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, một số huyện miền núi phía Tây của các tỉnh miền Trung...
Nhìn chung, ở những khu vực trên, các trạm y tế của địa phương vẫn còn nằm trong tình trạng thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Bên cạnh đó, là thực trạng thiếu đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Không chỉ vậy, dân cư phân bố không đồng đều, nhiều cụm dân cư, bản làng cách xa trung tâm xã, trạm y tế, việc tiếp cận, chăm sóc sức khỏe của người dân gặp nhiều trở ngại, nhất là việc khám sức khỏe ban đầu, triển khai các chương trình truyền thông phòng, chống các dịch bệnh, dân số - kế hoạch hóa gia đình; tuyên truyền và tổ chức tiêm chủng mở rộng...
Theo đánh giá của Bộ Y tế, cả nước vẫn còn khoảng 20% số xã chưa có bác sĩ, phải luân phiên bác sĩ từ tuyến huyện về khám, chữa bệnh một số ngày trong tuần. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều trạm y tế xã năng lực chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, chưa thực hiện được hết danh mục kỹ thuật theo quy định, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Đơn cử như tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, địa phương có diện tích rộng lớn, các khu dân cư cách xa trung tâm xã, huyện, nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế gặp vô vàn khó khăn. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Là địa phương nằm trong diện khó khăn nhất của cả nước, nhưng nhờ được sự quan tâm của các cấp, hiện nay, 21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn đều có trạm y tế. Tuy nhiên, trong điều kiện địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố không đồng đều nên việc triển khai các biện pháp, chương trình nâng cao sức khỏe cho nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí một số bản làng cách biệt vẫn được xác định là “vùng lõm” của y tế cơ sở”.