Cảnh giác với những chiêu trò bán thuốc chữa bệnh qua truyền miệng

Trong một lần đi tập thể dục, bà Nguyễn Thị Đ. ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình quen một người tự giới thiệu là bác sỹ, thầy thuốc nam và chữa được nhiều loại bệnh. Sau khi trò chuyện, xem mặt, tay bà, người xưng là bác sỹ cho bà biết thân thể của bà tốt nhưng có bệnh về mắt, đồng thời giới thiệu bài thuốc chữa bệnh mắt rất tốt, đã chữa cho nhiều người, có người già vẫn xỏ được kim khâu. Nghe lời nói như rót mật, bà Đ. tin và hẹn hôm sau mua thuốc. Bà Đ. mua hết hơn 3 triệu đồng. Vài hôm sau bà mua thêm 14 triệu đồng tiền thuốc. Sau một thời gian uống bà Đ. không thấy khỏi nhưng cũng không tìm thấy người bán thuốc.

Trong một lần đi tập thể dục, bà Nguyễn Thị Đ. ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình quen một người tự giới thiệu là bác sỹ, thầy thuốc nam và chữa được nhiều loại bệnh. Sau khi trò chuyện, xem mặt, tay bà, người xưng là bác sỹ cho bà biết thân thể của bà tốt nhưng có bệnh về mắt, đồng thời giới thiệu bài thuốc chữa bệnh mắt rất tốt, đã chữa cho nhiều người, có người già vẫn xỏ được kim khâu. Nghe lời nói như rót mật, bà Đ. tin và hẹn hôm sau mua thuốc. Bà Đ. mua hết hơn 3 triệu đồng. Vài hôm sau bà mua thêm 14 triệu đồng tiền thuốc. Sau một thời gian uống bà Đ. không thấy khỏi nhưng cũng không tìm thấy người bán thuốc.

Trạm y tế xã Kim Lập (Kim Bôi) làm tốt công tác quản lý, cấp phát thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân.

Trạm y tế xã Kim Lập (Kim Bôi) làm tốt công tác quản lý, cấp phát thuốc khám chữa bệnh cho nhân dân.

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhóm người đến tận thôn, xóm, hộ gia đình bán thuốc chữa bệnh. Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến là tổ chức các buổi "hội thảo” ở nhà dân với chiêu thức "tặng quà” kết hợp bán thực phẩm chức năng hoặc sản phẩm gia dụng. Sản phẩm được quảng cáo như thần dược chữa bệnh, hỗ trợ phục hồi sức khỏe. Đối tượng hướng đến chủ yếu là người lớn tuổi, phụ nữ. Với chiêu trò "tặng quà”, nhiều người đã rủ nhau tìm đến. Lúc này, các đối tượng thông tin "ai được tặng quà nên mua thêm 1 - 2 sản phẩm nữa sử dụng mới phát huy công hiệu”. Theo đó, người dân bỏ ra số tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin thành phần. Sau khi thu được món tiền lớn, nhóm đối tượng lạ mặt nhanh chóng rời đi. Để tạo lòng tin và dẫn dụ nạn nhân vào cái bẫy, các đối tượng lên sẵn kịch bản hoàn hảo, kẻ tung người hứng, đánh vào tâm lý muốn chữa khỏi bệnh mà chi phí điều trị thấp, làm cho nạn nhân tin tưởng được các bác sỹ có uy tín thăm khám thực sự và sẽ nhận được nhiều quyền lợi khi chữa bệnh.

Một hình thức nữa là khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí, sử dụng máy đo mật độ loãng xương, đo huyết áp miễn phí; giới thiệu, quảng bá và bán các loại sản phẩm, thực phẩm chức năng cho người dân mà chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thông qua hoạt động "chăm sóc sức khỏe cộng đồng", các cá nhân, tổ chức này đưa ra kết luận bệnh tật vô căn cứ gây hoang mang và làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Qua đó giới thiệu quá sự thật về công dụng của các sản phẩm, thực phẩm chức năng, làm cho người dân hiểu nhầm là thuốc điều trị bệnh và mua với giá cao hơn rất nhiều so với giá trị thực của sản phẩm.

Ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho biết: Khi khám, chữa bệnh người bệnh nên đến cơ sở y tế, không mua thuốc qua truyền tai nhau. Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền để phòng tránh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Với cơ quan chức năng cần tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người có uy tín trong cộng đồng tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, quảng cáo thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định. Chính quyền địa phương thường xuyên nắm bắt cơ sở, phát hiện sớm trường hợp tụ tập đông người để khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, thực phẩm trái quy định trên địa bàn.

Ngành chức năng điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Người bệnh cần đề cao cảnh giác, vận động người thân, gia đình cảnh giác với các hình thức chào mời tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí, mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có nguồn gốc rõ ràng, không có hóa đơn, chứng từ, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm... Khi phát hiện tổ chức, cá nhân có hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí, đo mật độ loãng xương, đo huyết áp miễn phí, giới thiệu sản phẩm, thực phẩm... tại địa phương báo ngay cho UBND xã, phường thị trấn hoặc phòng y tế cấp huyện.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/189420/canh-giac-voi-nhung-chieu-tro-ban-thuoc-chua-benh-qua-truyen-mieng.htm