Cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 quay trở lại
Trong bối cảnh một số quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng đáng kể trở lại do biến thể phụ XBB.1.16, ngành Y tế Thái Nguyên khuyến cáo người dân không được chủ quan. Mặc dù số ca mắc tại địa phương chưa tăng cao, song đã có những trường hợp phải nhập viện với triệu chứng nặng. Nguy cơ dịch tái bùng phát là hoàn toàn có thể.

Người cao tuổi, người có bệnh nền… sẽ dễ có các biến chứng khi mắc COVID-19.
Báo động từ những ca bệnh cụ thể
Sau thời gian dài kiểm soát được đại dịch COVID-19, nhiều người dân có tâm lý lơi lỏng, không còn đeo khẩu trang hay sát khuẩn tay thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể các ca mắc mới do biến thể phụ XBB.1.16.
Tại Việt Nam, theo thông báo của Bộ Y tế ngày 14/5/2025, trung bình mỗi tuần có khoảng 20 ca mắc mới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, con số này chưa phản ánh đúng thực tế, do nhiều người dân tuy có các triệu chứng của covid-19 nhưng không kiểm tra; nhiều trường hợp biết thì tự mua thuốc điều trị tại nhà và không khai báo y tế.
Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, những ngày vừa qua đã tiếp nhận một số bệnh nhân mắc covid-19 trong tình trạng cấp cứu, trong đó có cả người trẻ tuổi từng tiêm vắc xin đầy đủ.
Cháu Nguyễn Thu Hương, học sinh lớp 12, Trường THPT Đồng Hỷ: Cháu bắt đầu đau đầu rồi sốt, sau đó chân tay bị co quắp phải nhập viện cấp cứu. Sau xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị mắc COVID-19. Trước đó, cháu đã tiêm 3 mũi vắc xin và từng nhiễm bệnh. Cháu không biết đã lây từ ai.
Tương tự, cháu Phí Anh Đức, học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Quốc Tuấn, nhập viện do nổi mẩn dị ứng kèm sốt cao, ho và đau họng. Sau khi test nhanh, cháu mới biết mình dương tính với covid-19. Cháu sốt hơn 38 độ, buồn nôn, đau họng. Sau 2 ngày điều trị, cháu đỡ nhiều: Cháu Đức kể.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 tại Thái Nguyên chưa tăng cao, song đã có những trường hợp phải nhập viện với triệu chứng nặng.
Tình trạng đáng lo ngại hơn xảy ra với bà Đàm Thị Hồng (75 tuổi), xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên. Sau 3 ngày truyền dịch liên tục, sức khỏe bà mới cải thiện. Bà cho biết: Tôi bắt đầu có hiện tượng mệt hôm 9-5, sau 2 hôm thì sốt cao, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi và khó thở. Đến tối không chịu được nên tôi được các con đưa đến viện cấp cứu. Tôi có nhiều bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, men gan cao… Mắc COVID-19 lần này, tôi thấy nặng hơn nhiều. Tôi đã tiêm 4 mũi vắc xin và nhiễm bệnh năm 2021.
Nguy cơ chưa nhìn thấy hết
Bác sĩ Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Nguyên, cảnh báo: Không ghi nhận ổ dịch không có nghĩa là không có người mắc. Hiện nay, nhiều người tự điều trị tại nhà mà không xét nghiệm nên số ca được báo cáo chỉ phản ánh một phần thực tế. COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát, đặc biệt ảnh hưởng nặng tới người già, người có bệnh nền.
Nếu đồng thời mắc COVID-19 và các bệnh khác mà không được phát hiện sớm, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang, mà thay vào đó là thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. - bác sĩ Hoàng Anh
Trước nguy cơ dịch quay trở lại, ngày 14/5/2025, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên đã ban hành công văn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác giám sát, không được chủ quan. Trong đó, yêu cầu: Các đơn vị y tế dự phòng chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm ca bệnh để khoanh vùng kịp thời. Các cơ sở điều trị chuẩn bị sẵn phương án thu dung, điều trị các ca bệnh nặng và kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Nhiều trường hợp đến viện vì một bệnh khác nhưng sau khi test mới biết bản thân bị mắc COVID-19.
Hiện nay, Bộ Y tế chưa có khuyến cáo tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 diện rộng, trong khi đó, kháng thể sau tiêm hoặc sau nhiễm bệnh chỉ tồn tại tối đa khoảng 6 tháng. Điều này càng cho thấy sự cần thiết của các biện pháp phòng ngừa cơ bản như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và nâng cao thể lực cá nhân. Do đó, biện pháp phòng chống cần được hết sức quan tâm.
Theo đó, người dân cần tiếp tục sử dụng khẩu trang khi đến những nơi đông người, hạn chế việc tụ tập không cần thiết và việc sát khuẩn bàn tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn vẫn được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống COVID-19 cũng như là các bệnh truyền nhiễm khác.
Khi có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, mệt moit, đau đầu, đau họng…, người dân cần chủ động đến cơ sở y tế để khám, điều trị, đồng thời vẫn nên thực hiện hạn chế tiếp xúc, thậm chí là cách ly để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
COVID-19 tuy không còn là đại dịch toàn cầu, nhưng nó chưa bao giờ rời khỏi cuộc sống của chúng ta. Trong lúc tưởng chừng như “bình yên”, virus vẫn len lỏi và chực chờ cơ hội bùng phát trở lại. Khi kháng thể suy giảm, tâm lý chủ quan lan rộng, thì chỉ cần có cơ hội, dịch bệnh có thể tái bùng phát. Chính vì thế, trong thời điểm nay, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh nền và trẻ em - những đối tượng dễ tổn thương. Đừng để dịch quay lại - chỉ vì bạn quên phòng ngừa.