Cảnh giác hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thời gian gần đây diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng báo động, các đối tượng sử dụng công nghệ cao để giả danh cơ quan chức năng, xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân, thậm chí mô phỏng giọng nói, khuôn mặt nhằm đánh cắp thông tin và dễ dàng thực hiện hành vi chiếm đoạt.

31 bị cáo trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn công nghệ cao, hoạt động tại đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng, tỉnh Bo Kẹo, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án sau 3 ngày xét xử (từ ngày 3 - 5/6/2025). Các bị cáo giữ vai trò chủ chốt là Vũ Thị Khánh Huyền, Nguyễn Như Phương và Nguyễn Đức Nam bị tuyên phạt mức án 14 năm 6 tháng tù giam; 23 bị cáo nhận mức án từ 2 - 13 năm tù giam; 5 bị cáo được hưởng án treo.

Trước đó, ngày 25/1/2025, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Cục An an mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an và Bộ Công an Lào đã phá thành công chuyên án 923P, bắt giữ 31 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu nhiều tài liệu, vật chứng liên quan.

Các bị cáo trong chuyên án 923P vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử. (Ảnh: ANĐB)

Các bị cáo trong chuyên án 923P vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử. (Ảnh: ANĐB)

Theo hồ sơ vụ án, với phương thức sử dụng facebook giả mạo để trò chuyện, tạo lòng tin, thân thiết, tìm hiểu yêu đương, sau đó các đối tượng dụ dỗ nạn nhân nạp tiền đầu tư vào các nền tảng giả mạo sàn thương mại điện tử, chứng khoán như: ETC, LTC, LEMON, CPAYPRO, ASIA SHOPPING và FXCM (đây là các sàn giả mạo). Sau khi nạp tiền, nạn nhân sẽ thấy số dư tăng lên ảo sau mỗi giao dịch, khiến họ tin tưởng vào khả năng sinh lời. Thực chất, toàn bộ số tiền thật đều bị chuyển về tài khoản của công ty lừa đảo. Khi muốn rút tiền, họ tiếp tục bị yêu cầu nộp thêm các loại phí: “Chống rửa tiền”, “đổi ngoại tệ”, “xác minh tài khoản”... Khi biết nạn nhân không còn khả năng nạp thêm, đối tượng cắt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền. Theo phương thức này, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của 25 bị hại với hơn 5 tỷ đồng.

Không chỉ hoạt động có tổ chức, quy mô xuyên quốc gia, các đối tượng còn lợi dụng tâm lý nhẹ dạ của người dân để chiếm đoạt tài sản. Đơn cử, ngày 9/5/2025, tại Agribank chi nhánh huyện Tủa Chùa, các giao dịch viên đã phát hiện và kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo tinh vi nhắm vào chị H.A.T., trú tại xã Sín Chải (trước đây là xã Tả Sìn Thàng).

Trước đó, chị T. nhận được cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là nhân viên của các công ty lớn thông báo chị đã trúng thưởng phần quà giá trị và yêu cầu đóng phí, tiền cọc để nhận thưởng với cam kết sẽ hoàn lại số tiền này sau khi nhận giải. Tin lời dụ dỗ, chị T. đã 4 lần chuyển khoản với số tiền 46 triệu đồng. Ở lần giao dịch thứ 5, khi chuẩn bị chuyển thêm 15,5 triệu đồng, hành vi bất thường đã được giao dịch viên Agribank phát hiện. Ngay lập tức, ngân hàng phối hợp với lực lượng công an xác minh.

Sau quá trình tư vấn và thuyết phục, chị T. đã nhận thức rõ bản chất vụ việc và quyết định dừng giao dịch. Nhờ vậy, thiệt hại được ngăn chặn kịp thời trước khi thiệt hại tiếp tục xảy ra.

Công an phường Điện Biên Phủ tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Công an phường Điện Biên Phủ tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Những thủ đoạn không mới nhưng vẫn đang tiếp tục được các đối tượng tái diễn dưới nhiều hình thức khác nhau. Thống kê của Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 16 vụ liên quan đến các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: Thủ đoạn của tội phạm mạng hiện nay rất đa dạng. Chúng thường giả mạo cơ quan nhà nước, ngân hàng, người thân quen… để gửi link giả, dụ người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, hoặc tải phần mềm gián điệp. Nhiều trường hợp bị điều khiển điện thoại từ xa, tài khoản ngân hàng bị rút sạch chỉ trong vài phút.

Lợi dụng xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, các đối tượng tội phạm mạng đã triệt để khai thác không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước tình hình đó, song song với việc triển khai các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân, xem đây là giải pháp phòng ngừa căn cơ, bền vững, tạo “lá chắn mềm” trong cộng đồng.

Cùng với các biện pháp đấu tranh, lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng tới cộng đồng. (Ảnh: ANĐB)

Cùng với các biện pháp đấu tranh, lực lượng công an thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi lừa đảo trên không gian mạng tới cộng đồng. (Ảnh: ANĐB)

Hoạt động tuyên truyền được triển khai linh hoạt, đa dạng về hình thức nhằm tiếp cận hiệu quả nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, học sinh, sinh viên, những đối tượng dễ bị tội phạm công nghệ cao lợi dụng. Trong đó, nổi bật là 3 hình thức chính là thông qua phương tiện thông tin đại chúng; qua hệ thống loa truyền thanh tại các khu dân cư, nơi công cộng và tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội.

Theo Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, đơn vị đã lồng ghép cung cấp cho người dân những thông tin sát thực tế như: Thực trạng và hậu quả của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng; các thủ đoạn phổ biến như giả mạo tài khoản ngân hàng, mạng xã hội, cơ quan chức năng, chiếm quyền kiểm soát tài khoản cá nhân… Đồng thời, hướng dẫn người dân cách nhận diện, phòng tránh, bảo mật thông tin cá nhân và tài khoản trực tuyến; quy định pháp luật xử lý tội phạm mạng và cách xử lý khi bị hoặc nghi bị lừa đảo.

Thông qua các buổi tuyên truyền sẽ giúp người dân, học sinh có thêm kỹ năng phòng tránh các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.

Thông qua các buổi tuyên truyền sẽ giúp người dân, học sinh có thêm kỹ năng phòng tránh các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng.

Dù đã có nhiều biện pháp được triển khai, song để ngăn chặn triệt để các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và ý thức phòng ngừa. Trọng tâm là thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm; thận trọng, cảnh giác khi nhận các cuộc gọi mà người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, yêu cầu điều tra, giải quyết vụ án qua điện thoại... Không chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ người nào nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó; thận trọng, rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch điện tử, giao dịch trực tuyến.

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động phạm tội công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/phap-luat/canh-giac-hanh-vi-lua-dao-tren-khong-gian-mang