Cánh đồng của bà, bình yên của cháu

Dù đã đi nhiều nơi, ăn các món đặc sản nhiều vùng miền nhưng với tôi, cơm, xôi hay bánh của bà lúc nào cũng ngọt ngào và thơm ngon. Cánh đồng, ruộng lúa của bà đã nuôi lớn tuổi thơ tôi như thế. Dù bao năm qua đi, nó vẫn vững chãi ở đó như tình yêu đong đầy của bà.

Tranh minh họa: Phan Nhân

6 tuổi, tôi được bố mẹ gửi về sống cùng ông bà nội. Còn nhớ, hồi đó, xa bố mẹ, tôi thường mè nheo khiến ông bà bao phen lo lắng. Có lần, tôi còn trốn ra tận bến xe ô tô định vào Nam với bố mẹ, nhưng trong túi không có tiền nên không dám lên xe, cộng với được bác hàng xóm phát hiện, động viên về nhà với ông bà. Về đến cổng, bà lao ra ôm chầm lấy tôi, khẽ mắng: “cháu đi đâu mà để ông bà đi tìm từ chiều đến giờ, có biết ông bà lo lắng lắm không?”. Tôi òa khóc không phải vì bà trách mà vì hành động của mình khiến ông bà đôn đáo đi tìm. Từ đó, tôi không còn hành động bồng bột nữa. Nỗi nhớ bố mẹ cũng được tôi cất gọn vào trái tim mình.

Người luôn gần gũi, sẻ chia, cổ vũ tôi nhất chính là bà. Để tôi vui, buổi chiều đến, bà thường cho tôi ra đồng chơi. Trong khi bà tát nước, làm cỏ lúa thì tôi chạy dọc trên khắp triền đê của làng. Bầu trời xanh trong, hòa cùng ánh hoàng hôn lấp lánh tạo nên bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Những làn gió mát lành khiến tâm hồn tôi như được cởi hết những buồn phiền, chỉ còn đọng lại sự bình yên, thoải mái đến lạ.

Tôi còn mang cả giấy, bút ra đồng để vẽ lại khoảnh khắc ấy. Tôi không quên vẽ dáng lưng lom khom đang miệt mài làm việc của bà. Tất cả đều trở nên trìu mến dưới nét vẽ của tôi. Sau này, cô giáo ra đề thi môn mĩ thuật, tôi đã lựa chọn bức tranh về cánh đồng bao la ấy để nộp và được cô dành nhiều lời khen ngợi. Sau đó, cô còn cho tôi giữ lại bức tranh kỷ niệm của tôi với bà. Đến nay, bức tranh quý ấy vẫn được tôi treo ngay ngắn trong nhà, để mỗi khi nhìn lại, tôi lại nhớ về quãng thời gian bình yên bên bà.

Mùa lúa chín, tôi được bà cho ra đồng gặt lúa. Nói như thế cho “oách” chứ thực ra, tôi chỉ làm chân rót nước, nhặt những bông lúa còn sót lại cho bà. Bà cho tôi để số thóc đó làm “vốn riêng”, về phơi sau đó bà sẽ mua lại với giá cao để tôi lấy tiền đút lợn.

Vì thế, năm nào, tôi cũng thích nhất những vụ được theo bà ra đồng gặt lúa, vừa được chơi, vừa được “thu hoạch” kha khá thóc. Chả mấy chốc, con lợn tôi “nuôi” đã no tròn bụng. Tôi mổ lợn, đếm được hẳn 20 nghìn đồng - một số tiền lớn hồi đó nhưng tôi biết, nhiều lần, mỗi lần đi chợ về, bà lại nhét vào bụng lợn vài trăm đồng. Thấy tôi cứ ôm lợn lên “cân” xem lợn lớn thêm chưa, bà vui lắm!

Biết tôi thích ăn cốm, xôi, bánh chưng, bà đã dành hẳn một sào ruộng để trồng lúa nếp. Những hạt gạo do chính tay bà trồng nhìn mập mạp, nõn nà, thơm ngát vị sữa non. Bà còn hái cả lá sen về tự tay làm những gói cốm thơm lừng cho tôi mang đi học. Món xôi ngô, xôi lạc của bà cũng giúp tôi chắc dạ những ngày đến trường. Mỗi lần có dịp gì, bà lại nấu nhiều, gói thành những bọc nhỏ cho tôi mang cho bạn. Chúng tôi vừa ăn, vừa cảm nhận tình yêu ấm áp của bà.

Rồi tôi lớn hơn, việc học hành cũng bận hơn nên không có nhiều thời gian ra đồng cùng bà. Tôi đỗ đại học và đi học nơi phố thị. Nhưng bà vẫn vậy, vẫn chăm chỉ vun xới trên cánh đồng để mỗi lần tôi về, bà lại có gạo cho tôi mang lên trường nấu ăn. Đến tận bây giờ, dù nhiều người đã bỏ ruộng nhưng bà tôi vẫn giữ thói quen trồng lúa để Tết đến, có gạo nấu xôi, làm bánh cho con cháu.

Dù đã đi nhiều nơi, ăn các món đặc sản nhiều vùng miền nhưng với tôi, cơm, xôi hay bánh của bà lúc nào cũng ngọt ngào và thơm ngon. Cánh đồng, ruộng lúa của bà đã nuôi lớn tuổi thơ tôi như thế. Dù bao năm qua đi, nó vẫn vững chãi ở đó như tình yêu đong đầy của bà.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/canh-dong-cua-ba-binh-yen-cua-chau-361910.html