'Căng kéo' mở cửa
Các tỉnh, thành đã và đang thực hiện 'mở cửa' theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây được xem là bước tiến mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đổi mới về tư duy trước bối cảnh dịch giã lan tràn ở nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, để thực hiện Nghị quyết 128 có hiệu quả cũng là bài toán khó khi bức tranh xã hội chưa thoát khỏi những đám mây xám phủ lên do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, diễn ra trên diện rộng.
Nhìn vào thực tế mới thấy, dịch Covid-19 nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam chỉ tạm lắng trong khoảng thời gian ngắn, những ngày đầu tháng 11 đến nay dịch có dấu hiệu bùng phát trở lại. Những màu vàng, cam, thậm chí là đỏ dần xuất hiện thay dần màu xanh bình thường mới. Cấp độ dịch mức ở nguy cơ cao và rất cao cũng đã được đánh giá ở nhiều địa phương. Tâm lý của người dân cũng chuyển dần trạng thái sang lo lắng hơn những ngày trước.
Tiền Giang cũng nằm trong bức tranh chung này khi ghi nhận nhiều ca F0 trong chuỗi những ngày gần đây. Đáng lo nhất là nhiều ca được ghi nhận trong cộng đồng. Chẳng hạn, ngày 10-11, Tiền Giang ghi nhận đến 396 F0, trong đó có đến 75 ca được phát hiện trong cộng đồng. Đánh giá của ngành Y tế cho thấy, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là xuất hiện các ổ dịch mới.
Tương đồng với một số tỉnh, thành phía Nam, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được khơi nguồn từ nhiều yếu tố có nguy cơ lây nhiễm cao như: Người dân đi lại nhiều sau nới lỏng giãn cách xã hội làm phát sinh các ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát; người đi khám bệnh và điều trị nội trú tại các bệnh viện ở vùng có dịch về lây nhiễm cho người cùng nhà; tài xế đi đến vùng có dịch, bị lây nhiễm, về lây cho người nhà và hàng xóm; nhóm đối tượng nguy cơ không được tầm soát; có sự giao lưu trong khu phong tỏa, gây ra ổ dịch mới; một số công ty có lượng công nhân lớn hoạt động không đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch gây phát sinh ổ dịch lớn và phức tạp; số lượng lớn người dân về từ các tỉnh có tình hình dịch bệnh phức tạp (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An) có nguy cơ lây nhiễm cho người nhà…
Dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Tuy nhiên, tư duy phòng, chống dịch cũng đã thay đổi để thích ứng với tình hình mới. Mới đây, Tiền Giang cũng đã bổ sung các biện pháp áp dụng tương ứng với các cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh nhằm Bổ sung Kế hoạch số 295/KH-UBND ngày 17-10-2021 các biện pháp áp dụng tương ứng với các cấp độ dịch theo cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4.
Theo đó, bên cạnh quy định về thời gian công bố cấp độ dịch trên từng địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành căn cứ tình hình thực tế diễn biến các cấp độ dịch trên địa bàn, quyết định hình thức bán hàng tại chỗ hoặc bán hàng mang đi đối với các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát… để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; khuyến cáo người dân hạn chế sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia…). Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ, cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, quán giải khát dừng hoạt động trước 21 giờ hằng đêm; đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong khung thời gian từ 21 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau…
Cũng như các tỉnh, thành khác, Tiền Giang cũng tập trung thực hiện các quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Tuy nhiên, với việc xuất hiện nhiều ca F0 mới được ghi nhận trong cộng đồng những ngày gần đây đã tạo nên áp lực rất lớn trong tiến trình “mở cửa” lại nền kinh tế. Tất nhiên, việc căng kéo trong chuỗi ngày “mở cửa” gắn với công tác phòng, chống dịch không chỉ riêng đối với Tiền Giang mà còn đối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước…
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202111/cang-keo-mo-cua-938374/