Cần xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp nợ BHXH nhưng không gây khó cho doanh nghiệp hoạt động

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều nay 2-11, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Sau đó các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật này.

Trong phiên thảo luận, nội dung lớnnhư: việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; quy định xử lý tình trạng trốn đóng BHXH... đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tập trung cho ý kiến.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước thảo luận tại tổ với các tỉnh: Yên Bái, Hòa Bình và Bình Thuận

Theo đánh giá, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng; bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị ban soạn thảo cần rà soát dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) với các luật khác, vì theo như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội thì có 4 luật. Tuy nhiên, qua rà soát cơ bản bước đầu thì có 11 luật. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các cái luật có liên quan đến Luật BHXH như: Luật Cơ yếu; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Công đoàn; Luật Người cao tuổi… Vì đây là những luật có liên quan mật thiết đối với Luật BHXH (sửa đổi) này. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị ban soạn thảo phải rà soát lại dự thảo luật với các hiệp định về BHXH, để đảm bảo sự thống nhất giữa Luật BHXH với các bộ luật, các luật và các điều ước quốc tế mà chúng ta là thành viên.

Tại khoản 4 Điều 6 dự thảo luật quy định về nguyên tắc đó là: BHXH được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Tuy nhiên, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang quy định như thế này là chưa rõ về cơ chế để quỹ được công khai, minh bạch.

Nguồn hình thành Quỹ BHXH chủ yếu là từ nguồn đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động nhưng những đối tượng này rất khó tiếp cận thông tin về tình hình cũng như hoạt động của quỹ. Do vậy, đề nghị ban soạn thảo phải nghiên cứu bổ sung, quy định cụ thể hơn về công khai, minh bạch quỹ bảo hiểm xã hội. Đồng thời, bổ sung quy định về thời gian tối thiểu mà Chính phủ cần tiến hành xem xét, đánh giá về điều kiện kinh tế xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước để làm cơ sở cho việc đề xuất cũng như điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 21 dự thảo luật để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thay vì 20 năm như trước vẫn được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đối với quy định mới này, theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, các phương án mà dự thảo luật đưa ra nhằm hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng BHXH một lần và mỗi phương án thì có những ưu điểm và nhược điểm. Ban soạn thảo cũng phải xem xét để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đồng thời, cũng phải đảm bảo ổn định về an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hình thức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ cũng như mức hỗ trợ đối với những trường hợp không được giải quyết BHXH một lần; phải quy định đối với những người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm và không có điều kiện, khả năng tham gia BHXH tự nguyện hay tự đóng BHXH cho thời gian còn lại.

Với xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bên cạnh các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm như trong dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị cần phải quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như cơ quan thực hiện chính sách BHXH.

Liên quan đến các quy định này, từ kinh nghiệm thực tiễn hơn 30 năm quản lý doanh nghiệp, đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cơ bản đồng tình với nhiều quy định của dự thảo luật. Riêng đối với quy định: Cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng…, theo đại biểu Huỳnh Thành Chung sẽ có mâu thuẫn khi đưa vào thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung nêu quan điểm về chế tài xử lý nợ đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu nêu ví dụ: Doanh nghiệp nợ tiền BHXH nhưng nếu trường hợp thứ nhất là nợ do cũng có điều kiện mà không đóng, có đủ điều kiện đóng mà chây ì hoặc trốn đóng thì chế tài như vậy là hợp lý, chấp nhận được. Nhưng trường hợp thứ hai là doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng hóa, sản phẩm không tiêu thụ được, lượng hàng tồn kho còn quá nhiều, không có dòng tiền thu vào khi thị trường đóng băng mà mình áp dụng biện pháp ngừng xuất hóa đơn thì doanh nghiệp không thể có thanh khoản để có tiền đóng số tiền nợ BHXH. Do vậy, ở trường hợp này, nếu chế tài bằng hình thức ngừng cung cấp hóa đơn thì không phù hợp và không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn mà người lao động cũng ảnh hưởng trực tiếp. Trong vấn đề xử phạt, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị phải quy trách nhiệm của người điều hành doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

BHXH, BHYT và phí công đoàn… thuộc trách nhiệm doanh nghiệp. Người đứng đầu doanh nghiệp ý thức được việc này phân bổ ra đóng hàng tháng thì cũng không có gì là khó khăn. Bởi vì ngay trong doanh thu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp đã có tính toán việc này rồi. Cho nên nếu có ý thức đóng thì người quản lý, người chịu trách nhiệm pháp luật, đại diện pháp luật của doanh nghiệp chủ động làm việc này thì không quá khó, nếu kéo dài để tồn đọng lại tích tụ trong 6 tháng, 1 năm thì nó sẽ rất là lớn và lúc đó doanh nghiệp rất là khó khăn.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng, có thể đưa ra các chế tài một cách khắt khe và nghiêm khắc, nhưng phải hướng tới việc không đẩy cái khó cho hoạt động doanh nghiệp, cho việc giải quyết công ăn việc làm của người lao động thì mới đúng. Đồng thời, phải tạo áp lực trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp hoặc là chủ doanh nghiệp, người vận hành doanh nghiệp. Bởi có trường hợp là chủ doanh nghiệp, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc đại diện cổ đông lớn, người có quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp là đứng ra điều hành doanh nghiệp, nhưng cũng có thể họ thuê người điều hành doanh nghiệp. Và trong trường hợp nào thì người chịu trách nhiệm pháp luật, người điều hành doanh nghiệp là phải chịu trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm cá nhân trong việc thực thi các quy định của pháp luật về vấn đề bảo hiểm.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/150278/can-xu-ly-nghiem-chu-doanh-nghiep-no-bhxh-nhung-khong-gay-kho-cho-doanh-nghiep-hoat-dong