Cẩn trọng liệt mặt trong ngày đông giá rét

Liệt nửa mặt hay liệt dây thần kinh số 7 thường không nguy hại đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến bệnh nhân. Điều kiện thời tiết giá rét của miền Bắc khiến nguy cơ bị liệt nửa mặt ở người dân tăng cao nếu không có biện pháp giữ ấm phù hợp.

Miền Bắc đang trải qua đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng. Nền nhiệt thấp ghi nhận được ở hầu hết các địa phương đặc biệt là trong khoảng sáng sớm và lúc chiều tối. Một số nơi nhiệt độ xuống mức âm như Sa Pa: -0,3 độ C, Mẫu Sơn: -3,4 độ C, băng giá xuất hiện ở nhiều nơi.

Theo thông tin từ BV Quân y 108 (Hà Nội), liệt nửa mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây nên tình trạng giảm hoặc mất vận động các cơ ở mặt, bệnh có thể gặp ở bất cứ giới tính hay độ tuổi nào. Trong điều kiện thời tiết miền Bắc như hiện nay nhiều người sẽ có nguy cơ đối mặt với nguy cơ liệt nửa mặt. Liệt mặt ảnh hưởng đến sức khỏe gây khó khăn trong sinh hoạt đồng thời gây tâm lý ngại tiếp xúc cho bệnh nhân. Việc điều trị liệt nửa mặt phải mất một khoảng thời gian nhất định và có thể tái phát.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Với bệnh liệt dây thần kinh số 7, cách chẩn đoán chủ yếu dựa trên các dấu hiệu lâm sàng, thông qua thăm xác bác sĩ có thể các định cụ thể về trường hợp liệt mặt của người bệnh. Xác định khu tổn thương giúp chẩn đoán vị trí tổn thương thông qua tình trạng liệt mặt, các triệu chứng đi kèm như chảy tai, chấn thương, rối loạn vị giác, giảm tiết nước mắt...

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh qua lâm sàng như: Mặt người bệnh bị xệ, không cân xứng, bị kéo lệch về bên lành, nếp nhăn trán bị xóa so với bên đối diện, má nhão và phồng lên khi thở ra, , uống nước bị trào ra ngoài. liệt cơ khép vòng mi khiến mắt phía bên mặt bị liệt không nhắm kín được. Một vài trường hợp cảm thấy bị tê liệt đột ngột, yếu hẳn một bên mặt. Người bệnh khó cử động, khó cười nói, đau trong tai, nhức đầu. Mất vị giác, nước mắt, tăng lượng nước bọt trong miệng khi nói chuyện hoặc ăn uống.

Khôi phục hoàn toàn nếu điều trị từ sớm

Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm virut, cảm cúm… làm ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Một vài trường hợp khác do các chấn thương vùng mặt, ở sọ vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng,…

Bệnh thường không nguy hiểm đến tính mạng, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách, bệnh có thể được chữa khỏi từ 70 - 100%. Trường hợp nhẹ có thể hồi phục sau vài tuần, nếu nặng có thể vài tháng. Nếu không được điều trị đúng cách có thể để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, co giật nửa mặt. Nguy hiểm nhất là bị viêm loét giác mạc do mắt không nhắm được, gây khô mắt, nhiễm trùng giác mạc dẫn đến viêm, loét giác mạc. Do đó cần chú ý theo dõi và chăm sóc mắt, đảm bảo cho giác mạc được phủ kín. Tránh viêm giác mạc bằng cách nhỏ thường xuyên nước mắt nhân tạo và băng mắt khi ngủ.

Bệnh có thể được điều trị cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Kết hợp các biện pháp dùng thuốc song song với các biện pháp không dùng thuốc như các bài tập vật lý trị liệu, châm cứu với các bài tập các cơ của mặt tạo điều kiện giữ trương lực cơ và phân bố mạch để chống teo cơ.

Lời khuyên của thầy thuốc
Tránh gió lạnh đột ngột. Mùa lạnh mở cửa từ từ, tránh gió lùa. Ra đường đeo khẩu trang giữ ấm mặt. Không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe.
Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, bạn nên sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, để hạn chế tối đa những di chứng của bệnh.

HOÀNG NGỌC

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-trong-liet-mat-trong-ngay-dong-gia-ret-n185845.html