Cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm hỗ trợ giảm cân
Sản phẩm hỗ trợ giảm cân trở thành lựa chọn của nhiều phụ nữ mong muốn có vóc dáng thon gọn, mảnh mai. Song, trên thị trường có quá nhiều sản phẩm với nhiều thông tin quảng cáo, khiến cho người tiêu dùng hoang mang và không dễ dàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình. Những sản phẩm hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm bị phát hiện, thu hồi trong thời gian vừa qua cũng dấy lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, đòi hỏi mỗi người cần thận trọng trước 'ma trận' của nó.
Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao là cách giảm cân an toàn đối với sức khỏe.
“Tiền mất, tật mang”
Giảm cân luôn là chủ đề mà chị em đặc biệt quan tâm. Nắm bắt được xu thế đó, thị trường thực phẩm hỗ trợ giảm cân cũng trở nên nhộn nhịp với các loại như: trà giảm cân, cà phê giảm cân, thạch dứa, giấm táo giảm cân... Các kênh bán hàng trên mạng xã hội hay chợ thương mại điện tử cũng nhộn nhịp chào bán các loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân với những lời quảng cáo hấp dẫn như không cần ăn kiêng, không cần luyện tập, giảm mỡ nhanh chóng trong vòng 1 tuần... Tin theo những lời quảng cáo, tự mua và sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân “thần tốc”, nhất là các mặt hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã khiến không ít người rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”, thậm chí ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe.
Cuối tháng 3-2022, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nữ 37 tuổi, ở Hà Nội vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân Hoàng Gia. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, não của bệnh nhân bị tổn thương. May mắn, sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời, nên sức khỏe đã dần cải thiện. Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Sau đó, chị được giới thiệu sử dụng một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4kg. Chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng về sử dụng. Cà phê này có vị ngọt, thơm như cà phê sữa nhưng khi uống đến ngày thứ 4, chị có cảm giác khó thở, người lạnh toát, háo nước... và phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã phát thông tin cảnh báo sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia quảng cáo hỗ trợ giảm cân có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphtalein.
Trước đó, năm 2021, chị A., một phụ nữ 43 tuổi, ở Quảng Ninh phải cắt hết thực quản và dạ dày vì uống thuốc giảm cân. Nghe theo lời quảng cáo trên mạng, chị đã mua 2 lọ thuốc giảm cân Baschi hồng (được quảng cáo có thành phần 100% từ thảo dược thiên nhiên, giá 500.000 đồng/hộp) để uống với mong muốn giảm cân và làm đẹp. Mỗi ngày chị uống 2 viên vào buổi tối cùng nước chanh ấm trước khi đi ngủ. Kết quả, sau 1 tháng chị giảm được 3kg. Chưa kịp vui mừng với thành quả giảm cân như cam kết, chị A. xuất hiện buồn nôn và nôn ra máu tươi, máu đen.
Chị được gia đình đưa vào trung tâm y tế huyện cấp cứu nhưng sau 6 ngày điều trị, tình trạng không được cải thiện, chị được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Tình trạng của chị A. ngày một xấu đi, cứ ăn, uống vào là lại nôn ra; cơ thể được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng đường tĩnh mạch. Hình ảnh nội soi và chụp X.Q cản quang dạ dày cho thấy hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày. Từ một người hoàn toàn khỏe mạnh với cân nặng 70kg, chị A. chỉ còn 35 kg, cơ thể suy kiệt nghiêm trọng. Sau 2 tuần chuẩn bị, chị A. được các bác sĩ thực hiện phẫu thuật trong 5 giờ đồng hồ. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày và thực quản ngực của bệnh nhân, sau đó tạo hình đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. Sau phẫu thuật bệnh nhân được hồi sức tích cực và chăm sóc toàn diện, dần trở lại cuộc sống bình thường. Đây là trường hợp đặc biệt, bệnh nhân bị teo hẹp toàn bộ dạ dày và thực quản do hóa chất.
Nhiều sản phẩm bị thu hồi
Tháng 4-2022, Cục ATTP, Bộ Y tế đã ban hành công văn yêu cầu thu hồi đối với sản phẩm thực phẩm bổ sung cà phê Hoàng Gia. Tháng 5-2022, Cục ATTP tiếp tục có quyết định thu hồi 5 sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn được sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển (Hà Nội), trong đó có 3 sản phẩm hỗ trợ giảm cân, gồm: sản phẩm Kumiko slim; sản phẩm giấm táo slim; sản phẩm Nio Slim. Lý do thu hồi vì sản xuất tại cơ sở không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định; không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định.
Trước đó, tháng 1-2022, Cục ATTP đã đưa ra cảnh báo và ban hành quyết định thu hồi 6 sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm, gồm 2 sản phẩm giảm cân Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm Sibutramine và Phenolphthalein; 4 sản phẩm giảm cân là Slimming Tigi Max 28, Slim Phục Linh Plus, Seven days và Diamond Power Slim bị phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine.
Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Theo các chuyên gia, Sibutramine có khả năng làm giảm cảm giác thèm ăn, hỗ trợ quá trình giảm cân, nhưng lại có tác dụng phụ nguy hại như gây mất ngủ, tăng huyết áp và nguy cơ biến chứng về tim mạch. Ở Mỹ và các nước châu Âu đã ngừng sử dụng tất cả sản phẩm có chứa Sibutramine từ năm 2010. Tại nước ta, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng đã ngừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine và thu hồi các sản phẩm chứa chất này.
Phenolphtalein là chất chỉ thị màu, thường dùng để đo độ pH, bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm lưu hành từ năm 1999. Chất này trong thực phẩm giảm cân có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, tim mạch, gan của người dùng. Ngoài ra, sử dụng Phenolphtalein để giảm cân còn gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi...
Giảm cân làm đẹp là nhu cầu của nhiều người, nhất là đối với phái nữ và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giảm cân là một quá trình diễn ra lâu dài và liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể. Vì vậy, nếu có nhu cầu giảm cân, cần tham khảo ý kiến tư vấn của những người có chuyên môn để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp kết hợp với tập luyện thể thao. Không nên tin vào những lời quảng cáo không có cơ sở khoa học, tránh những hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe bản thân.