Cần sớm giải quyết 'điểm đen' ô nhiễm tại làng đá Non Nước

Hơn 10 năm trước, năm 2011, làng đá mỹ nghệ Non Nước hơn 500 tuổi dưới chân danh thắng Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được chuyển về tại địa điểm mới để giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của làng nghề. Nhưng do những bất cập trong quy hoạch và quản lý, làng đá mới đã trở thành một 'điểm đen' ô nhiễm môi trường giữa lòng Đà Nẵng.

Giữa tiết trời tháng 8 oi bức, trục đường Trương Gia Mô dẫn vào làng đá Non Nước (tổ 52 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) mịt mờ bụi đá, xen lẫn tiếng máy cắt đá, đục đá đinh tai nhức óc. Hầu hết các cơ sở sản xuất đều tập kết đá và gia công, chế tác ngay trên vỉa hè. Một số xưởng có diện tích nhỏ hẹp (150-200m2) còn lấn chiếm cả lòng đường làm nơi sản xuất. Mỗi khi có gió mạnh, bụi đá cùng các loại khí độc hại sinh ra từ công đoạn cắt, mài, điêu khắc, vận chuyển đá phát tán hàng trăm mét, xộc vào các khu dân cư xung quanh. Một số đoạn đường hư hỏng do xe quá tải, nhầy nhụa bột đá trộn lẫn nước thải tràn ra từ các cơ sở sản xuất. Không chỉ bụi đá, nguồn nước thải từ làng nghề này cũng gây ô nhiễm, nhất là khi mưa lớn, gây tràn ra môi trường.

Cảnh nhếch nhác, ô nhiễm tại làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, các nguồn phát sinh nước thải từ quá trình hoạt động làng nghề đá mỹ nghệ sẽ được thu gom về trạm xử lý chung sau đó sẽ theo tuyến ống đường Mai Đăng Chơn và xả vào sông Cổ Cò, miệng cống chỉ cách chùa Quan Thế Âm vài trăm mét. Đây là cống xả chung với nước thải sinh hoạt của làng nghề và người dân quanh khu vực. Đáng chú ý, theo ngành chức năng, tuy đã qua trạm xử lý nhưng nước thải khu làng nghề vẫn có hàm lượng chất rắn lơ lửng khá lớn do có lẫn nhiều bột đá từ các khâu đẽo, đục, mài đá. Ngoài ra, trong nước thải còn chứa dư lượng rất ít axit mà chủ yếu là HCl được sử dụng từ khâu tẩy trắng, đánh bóng sản phẩm.

Anh Nguyễn Châu, thợ đá làm việc tại cơ sở H.L cho biết hệ thống cống thoát nước của làng nghề thường xuyên bị nghẹt do cặn đá, bột đá tích tụ. Mỗi lần mưa lớn, nước mưa hòa với cặn đá trắng xóa, ngập nhiều tuyến đường, có lúc tràn vào bên trong xưởng sản xuất. Theo ông Đào Xuân Hạnh, quản lý cơ sở đá Dũng Nga, thời gian gần đây, Ban quản lý làng nghề định kỳ cho xe thu gom phế thải, nạo vét cống thoát nước. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, tình trạng cũ vẫn lặp lại. Các cơ sở sản xuất phải bỏ thêm tiền để thuê người và phương tiện dọn dẹp, khơi thông để giảm bớt tình trạng cống thoát nước tắc nghẽn gây ô nhiễm.

Ông Nguyễn Lợi, chủ một cơ sở sản xuất đá nhìn nhận tình trạng ô nhiễm ở mức “khủng khiếp”, gây tác động xấu đến môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của công nhân trong xưởng lẫn người dân sống chung quanh.

Bà Trần Thị Dung, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Văn Tân (tổ 26, phường Hải, quận Ngũ Hành Sơn cho biết hàng chục gia đình trong dãy phố phải gánh chịu tình trạng bụi đá bay qua bám đầy nhà. Kể từ khi hàng dương liễu chắn với làng nghề bị chết rụi, bụi đá bay vào nhà càng nhiều hơn. Suốt cả ngày, các hộ gia đình phải đóng cửa, kéo kèm để tránh bụi. Ban quản lý có cho trồng lại mới nhưng bụi đá khiến cây phát triển không nổi.

Được biết làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện nay có diện tích hơn 35ha. Trong đó, đất bố trí cho sản xuất đá mỹ nghệ giai đoạn 1 là 7,46 ha (chia làm 574 lô), đất bãi chứa đá nguyên liệu là 6,68ha. Còn lại là đất vành đai cây xanh cách ly, trạm xử lý nước thải, đất giao thông và một số hạng mục đất khác. Theo ước tính, lượng đá thô sử dụng đưa vào sản xuất cho toàn bộ các cơ sở theo quy hoạch khoảng 400 tấn/ngày. Ông Lưu Vạn Anh Tâm, Trưởng BQL làng đá mỹ nghệ Non Nước cho biết nơi đây hiện có 385 cơ sở sản xuất được bố trí đất và hoạt động, mới chỉ xấp xỉ 70% số lượng so với quy hoạch làng nghề.

Những vấn đề nêu trên cho thấy những hạn chế về tầm nhìn trong việc quy hoạch và xây dựng làng đá mỹ nghệ Non Nước. Thứ nhất là quy hoạch cơ sở sản xuất theo tư duy “phân lô bán nền” với diện tích nhỏ hẹp, nhồi nhét quá nhiều cơ sở sản xuất vào trong một khu vực gây quá tải đối với hạ tầng. Thứ hai, việc xây dựng, bố trí nhà máy xử lý nước thải cho làng nghề đã không đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, xử lý nước thải, chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất. Thứ ba, việc bố trí làng nghề ở vị trí hiện nay, tuy cách danh thắng quốc gia đặc biệt và địa điểm du lịch nổi tiếng Ngũ Hành Sơn khoảng 1km nhưng vẫn nằm trong vệt phát triển du lịch ven biển, đồng thời nằm giữa các khu dân cư là không phù hợp về trước mắt và lâu dài. Bất cập này càng thể hiện rõ khi tháng 7/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn” để mở rộng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh thắng, thúc đẩy phát triển du lịch của Đà Nẵng và các địa phương trên hành trình Con đường Di sản miền Trung…

Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước, đã có những kiến nghị di dời các cơ sở sản xuất đá đến KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) nhưng vẫn cho duy trì hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và mua bán tại vị trí làng nghề hiện tại. Có như vậy, sẽ giúp tách bạch hoạt động sản xuất gây ô nhiễm với các hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm nhưng vẫn giữ được thương hiệu, truyền thống hơn 500 năm của làng nghề như mong muốn của những nghệ nhân, những doanh nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Thân Lai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/can-som-giai-quyet-diem-den-o-nhiem-tai-lang-da-non-nuoc-i704922/