Cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Nhiều năm trở lại đây, chưa khi nào việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái, đình trệ, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Tính đến cuối tháng 8, tổng thu NSNN trên địa bàn mới đạt 8.451 tỷ đồng, bằng 54% dự toán năm được tỉnh giao, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2019. Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các cấp, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu cả năm.
Theo dự toán được giao, năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh phải đạt 15.555 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa là 12.355 tỷ đồng; số còn lại 3.200 tỷ đồng là từ hoạt động xuất nhập khẩu. Trên thực tế, nếu không có dịch COVID-19 thì chỉ tiêu này đã được xác định là không dễ để hoàn thành nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan ngành Tài chính và các địa phương. Vì thế, việc xuất hiện dịch bệnh COVID-19 ngay từ đầu năm càng khiến việc thực hiện chỉ tiêu này khó khăn thêm gấp bội.
Đáng ngại hơn, tình hình dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gẫy. Ngoài ra, các chính sách gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ… của Chính phủ cũng làm giảm số thu NSNN so với dự toán đã giao đầu năm.
Trước bối cảnh này, UBND tỉnh đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để công tác thu ngân sách trên địa bàn được thực hiện hiệu quả. Đầu tiên là phải kể đến việc tháo gỡ khó khăn trong việc xác định và thẩm định giá đất đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị. Theo đó, từ trung tuần tháng 8, UBND tỉnh đã kiện toàn Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh và họp triển khai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đối với nội dung này. Đến ngày 15-9, một cuộc họp tiếp theo được triển khai để tiếp tục nghe lại việc thực hiện của các sở, ngành, địa phương liên quan.
Tại cuộc họp này, đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh đã yêu cầu đến cuối tháng 9, các sở, ngành chức năng phải tham mưu cho tỉnh ban hành được khung giá đất đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị đã được giao đất mà đã hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý cần thiết để các chủ đầu tư sớm nộp tiền sử dụng đất vào NSNN.
Trước đó, tại buổi làm việc với Cục Thuế tỉnh vào đầu tháng 9, sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện thu ngân sách trên địa bàn 8 tháng đầu năm, đồng chí Lê Quang Tiến cũng đã yêu cầu cơ quan này tập trung rà soát các nguồn thu, đôn đốc thu cao nhất các khu vực thu còn dư địa; theo dõi, cập nhật kịp thời tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để phục vụ công tác điều hành thu; tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp, địa phương để có giải pháp thu thuế cụ thể. Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai thuế của người nộp thuế, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh, không để tăng nợ mới; thu kịp thời các khoản thu được gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ khi đến thời hạn phải nộp. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các địa phương tập trung giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chính sách nhằm khơi thông nguồn thu, nhất là trong các lĩnh vực: đất đai, giải ngân vốn đầu tư, quản lý giá, quản lý các nguồn thu từ tài nguyên, khoáng sản…
Còn tại buổi làm việc với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh ngày hôm nay (16-9), sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện thu tiền ứng trước tiền thuê đất 50 năm nộp một lần của các nhà đầu tư; dự kiến số thực hiện vào NSNN 4 tháng cuối năm cùng những đề xuất kiến nghị và những phân tích về khả năng thu từ các nguồn của các sở, ngành chức năng, đồng chí Lê Quang Tiến nhấn mạnh: Để đảm bảo số ghi thu, ghi chi đạt trên 400 tỷ đồng trong những tháng còn lại của năm, Ban Quản lý KCN tỉnh cần chủ đồng phối hợp, thống nhất với các ngành, địa phương có liên quan hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định, đến cuối tháng 11 hoàn thành việc ghi thu ghi chi cả năm đạt trên 500 tỷ đồng theo kế hoạch. Đồng chí giao Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh đôn đốc các sở ngành, địa phương gồm: Tài chính, Cục Thuế, Tài nguyên - Môi trường, huyện Phú Bình, T.X Phổ Yên và T.P Sông Công tích cực phối hợp với Ban Quản lý KCN tỉnh giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc hoàn chỉnh thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng, hạ tầng, bản đồ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Có thể nói, kết quả thu ngân sách của tỉnh không đơn giản chỉ là hoàn thành một trong số các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn tác động trực tiếp đến việc triển khai nhiều dự án, công trình sử dụng ngân sách Nhà nước lấy từ nguồn sử dụng đất và đến cả với cộng đồng các doanh nghiệp. Qua đó tác động trở lại đến việc thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tuy nhiên, có một thực tế được đặt ra trong bối cảnh hiện nay đó là trong khi tỉnh ta chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu thu ngân sách năm 2020 nên nếu chỉ có ngành Tài chính tập trung vào việc khai thác các nguồn thu từ doanh nghiệp nhằm hoàn thành kế hoạch được giao thì sẽ khó tạo ra được nguồn thu bền vững trong dài hạn. Do đó, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, khơi thông các nguồn thu lớn từ đất đai, bất động sản, cấp quyền khai thác khoáng sản… Chỉ có như vậy mới góp phần tạo động lực quan trọng hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, cũng như nhiều chỉ tiêu quan trọng khác của tỉnh năm 2020 và trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2015-2020.