CẦN NGHIÊN CỨU PHƯƠNG ÁN CỤ THỂ ĐỂ BỐ TRÍ VỐN CHO DỰ ÁN CẢNG HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ LONG THÀNH NĂM 2024

Tại kỳ họp thứ 6, cho ý kiến về Báo cáo một số ý kiến về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đa số các đại biểu đồng tình việc cho phép điều chỉnh kéo dài thời gian đầu tư và giải ngân đến hết năm 2024. Tuy nhiên, cần nghiên cứu phương án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến vể việc chuyển nguồn và bố trí nguồn vốn cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Việc chuyển nguồn và bố trí vốn cho dự án sân bay Long Thành là cần thiết

Tại các phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn 2510,372 tỷ đồng, trong đó bao gồm 1543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020 đến hết năm 2024.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Bùi Xuân Thống, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai chia sẻ với tỉnh Đồng Nai vì nguyên nhân của việc chậm trễ của dự án phần nhiều do yếu tố khách quan về mặt thủ tục. Nghị quyết 53 Quốc hội được thông qua ngày 24/11/2017 đến ngày 6/11/2018 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1487 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Như vậy, thời gian so với nghị quyết chậm mất gần 1 năm. Sau khi Thủ tướng phê duyệt hồ sơ kỹ thuật thì lại chưa được Bộ Xây dựng đóng dấu. Việc này phải kéo dài hơn 6 tháng nữa. Như vậy, kể từ khi nghị quyết của Quốc hội thông qua đến khi triển khai thực tế về các công việc thu hồi đất mất hơn 1,5 năm.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có diện tích thu hồi đất rất lớn nên phát sinh nhiều vấn đề thủ tục phức tạp. Về quy định, Đồng Nai không cho phép chuyển nhượng, chia, tách các thửa đất. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tiễn, người dân vẫn sang nhượng, mua bán viết tay. Đồng thời, với các quy trình, thủ tục của chúng ta hiện nay, thu hồi đất trong điều kiện bình thường mất trung bình khoảng 270 ngày làm việc. Đối với những trường hợp phát sinh khiếu kiện thì thời gian kéo dài hơn. Cho nên, việc xác định quy chủ và xác định ranh giới thửa đất đối với dự án này mất nhiều thời gian, nhất là đối với lại các trường hợp pháp sinh khiếu kiện.

Theo đại biểu Bùi Xuân Thống, về thời điểm triển khai dự án, Đồng Nai là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động phải đóng băng khi thực hiện Chỉ thị 16, các hoạt động kiểm đếm, xác định ranh giới không thực hiện được. Sau dịch COVID đầu năm 2020, giá một số vật liệu xây dựng tăng rất cao như thép, cát dẫn đến đứt gãy nguồn cung, các dự án thành phần có cấu phần xây dựng bị dừng lại, thậm chí các nhà thầu bỏ vốn, bỏ công trình dẫn đến phải thực hiện tổ chức đấu thầu lại, mất rất nhiều thời gian. Từ những nguyên nhân trên đã kéo dài đến việc thực hiện của dự án. Đối với tác động giai đoạn 1 của dự án thì hiện nay phần giai đoạn 1 là 2.500 hecta đã được Ủy ban nhân dân tỉnh bàn giao cho ACV để triển khai. Cho nên việc kéo dài dự án đến năm 2024 không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của giai đoạn 1 và việc kéo dài này chủ yếu để hoàn thành các cấu phần xây dựng.

Về phần vốn, với các nguyên nhân kéo dài thực hiện dự án ngay việc bố trí vốn cho dự án này trong giai đoạn 2017-2020 cũng chưa hợp lý. Quốc hội thông qua Nghị quyết ngày 24/11/2017 đến ngày 6/11/2018 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt báo cáo dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ Cảng hàng không quốc tế Long Thành ngày 6/12/2018 Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định 1813 giao vốn đợt 3 cho năm 2018 là 4.500 tỷ. Như vậy, năm 2018 không thể giải ngân được số vốn 4.500 tỷ này. Tiếp đến ngày 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quyết định số 2118 giao kế hoạch vốn năm 2019 là 6.990 tỷ, tổng cộng lại của năm 2018-2019 là 11.490 tỷ. Như vậy, không cách nào giải ngân được khi đây là dự án bắt đầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong khi đó hồ sơ thiết kế phải mất hơn 6 tháng mới hoàn thành thủ tục pháp lý để triển khai. Đây cũng là nguyên nhân không giải ngân hết vốn của giai đoạn 2018-2020 đối với dự án này.

Cũng cùng quan điểm đồng tình, đại biểu Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí với hồ sơ điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết 53 của Quốc hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong đó, gồm điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024. Nội dung này tôi đồng tình, vì năm 2023 sắp kết thúc và công tác giải phóng mặt bằng càng về sau càng gặp nhiều khó khăn nên phải có nhiều cố gắng thì cuối năm 2024 mới hoàn thành dự án. Thứ hai, điều chỉnh kéo dài thời gian đầu tư và giải ngân đến hết năm 2024, bởi nếu không tiếp tục cho triển khai trong năm 2024 thì không có mặt bằng xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Phải tìm nguồn vốn hợp pháp để bố trí cho dự án

Tại phiên họp giữa hai đợt Kỳ họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án chuyển nguồn vốn của dự án từ năm 2021 -2022 kéo sang năm 2024 để tiếp tục hoàn thành dự án này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 68 và khoản 5 Điều 101 của Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công năm 2020 chỉ được giải ngân đến hết ngày 31.12.2021; kế hoạch đầu tư công năm 2021 của dự án đã được Chính phủ cho phép kéo dài giải ngân đến ngày 31.12.2022. Nên đến thời điểm hiện nay, toàn bộ số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định. Vì vậy, đề xuất tại Tờ trình số 558/TTr-CP là không thể thực hiện được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 2847/TB-TTKQH, ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và ý kiến của Lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản số 2991/TTKQH-KT đề nghị Chính phủ bổ sung Tờ trình về việc đề xuất nguồn để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm. Tuy nhiên, do chưa nhận được Tờ trình chính thức của Chính phủ cụ thể về phương án đề xuất nguồn để bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chính phủ cần phải tìm nguồn hợp pháp, vì về nguyên tắc, khi số vốn kế hoạch năm 2020, 2021 chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán thì không có cách gì để kéo dài hơn. Đối với đề nghị của Bộ Giao thông Vận tải về cho phép thực hiện tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương của tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án hồ chứa nước Kapet, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, hai việc này không giống nhau, không thể áp dụng tương tự được.

Đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến cuối năm 2024, song Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước đã quy định rõ về việc bố trí nguồn vốn cho dự án. Theo quy định hiện hành, các dự toán chi, bao gồm cả khoản bổ sung trong năm cho đến hết năm ngân sách mà chưa thực hiện được, chưa giải ngân hết thì sẽ phải hủy bỏ, trừ một số khoản chuyển nguồn đã được cho phép.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại Kết luận số 2847 ngày 5.10.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập rõ về bố trí vốn cho dự án, đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, năm 2021 đã hủy bỏ theo quy định chưa, hay đang cho phép chuyển nguồn; trường hợp đang để ở chuyển nguồn đề nghị làm rõ trách nhiệm việc không hủy bỏ số kinh phí này theo quy định. Nói cách khác, Chính phủ phải căn cứ quy định của pháp luật để đề xuất phương án bố trí vốn cho dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu rõ, theo báo cáo của cơ quan chức năng, số tiền 2.510,372 tỷ đồng chưa giải ngân hết đến nay đã được hủy dự toán, chuyển về ngân sách Trung ương, không còn nằm ở tài khoản của tỉnh Đồng Nai. Do đó, về nguyên tắc, Chính phủ phải đề xuất về nguồn hợp pháp để bố trí cho dự án này, nhưng đến thời điểm này Chính phủ chưa đề xuất phương án cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến.

Về nguồn vốn hợp pháp có thể bố trí cho dự án này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các Bộ liên quan để rà soát nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn của năm 2023 còn hay không? Vì, nếu nguồn này còn thì có thể bổ sung thêm vào phần dự phòng chưa phân bổ của kế hoạch đầu tư công năm 2024. “Quốc hội chỉ quyết định tổng nguồn vốn, không quyết định danh mục cụ thể. Do đó, nếu nguồn vốn nêu trên còn thì Chính phủ có thể xin phép Quốc hội cho bổ sung vào danh mục dự án đầu tư công để có nguồn vốn triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết năm 2024. Tuy nhiên, đối với việc bố trí nguồn vốn cho dự án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu phương án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến để đảm bảo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhưng phải trên tinh thần đúng pháp luật.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82291