Cần đánh giá rõ hơn về các đề xuất chính sách

Thảo luận tại Tổ 2 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thêm về các đề xuất chính sách.

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 2

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 2

Có phương án di dời, tái định cư, hỗ trợ giải quyết việc làm tốt cho hộ dân bị ảnh hưởng

ĐBQH Trần Anh Tuấn nhất trí sự cần thiết đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tăng cường liên kết vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ với TP. Hồ Chí Minh cũng như liên kết nội vùng.

Theo Tờ trình của Chính phủ, về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 2ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.051ha; đất thổ cư khoảng 12 ha; đất rừng sản xuất khoảng 46ha. Số hộ dân bị ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ.

Đại biểu Trần Anh Tuấn lo ngại, đối với diện tích đất trồng lúa, đất nông nghiệp khác và đất rừng sản xuất sau khi bị thu hồi để thực hiện dự án thì những người dân đang canh tác, sản xuất trên đó sẽ không còn đất canh tác, sản xuất, làm ảnh hưởng tới đời sống. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có phương án di dời, tái định cư, giải quyết việc làm và hỗ trợ nghề tốt để những hộ dân bị ảnh hưởng nhanh chóng ổn định cuộc sống, có việc làm mới ổn định.

Theo kinh nghiệm triển khai những dự án trước, đại biểu cho biết, con số khảo sát sơ bộ về nhu cầu sử dụng đất của dự án ở giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi của dự án thường không chính xác và đến khi xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi thì con số chênh nhau, dẫn tới điều chỉnh chủ trương ban đầu gây mất nhiều thời gian. Do đó, ngay từ khâu xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cần bảo đảm thực hiện thật kỹ lưỡng, sát thực.

Về các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án, để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa dự án vào khai thác, Chính phủ kiến nghị Quốc hội bố trí 8.770 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư dự án.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2026 đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án.

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

ĐBQH Đỗ Đức Hiển (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu

"Nếu Chính phủ quyết tâm và với những cơ chế đặc thù được Quốc hội trao thì có thể thực hiện giải ngân hết đến tháng 1.2026, thay vì đến cuối năm 2026", ĐBQH Đỗ Đức Hiển nói.

Dẫn quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, đại biểu nêu rõ, thời gian thực hiện và giải ngân vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31.1 năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

Trong trường hợp hết ngày 31.1 năm đầu tiên của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau mà dự án vẫn chưa hoàn thành thì vẫn được bố trí vốn đầu tư công của giai đoạn sau để thực hiện.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá thêm về sự cần thiết của đề nghị gia hạn việc giải ngân đối với số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện dự án. Trong trường hợp cần thiết phải gia hạn thì đề nghị gia hạn trong 1 năm đã bảo đảm căn cơ hay chưa?

Rà soát, bảo đảm tính bao quát của các đề xuất điều chỉnh

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, các ý kiến tại Tổ 2 nhất trí cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình.

Việc điều chỉnh cũng thể hiện tinh thần Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị, cần rà soát thêm nhằm xác định các nội dung vướng mắc trong triển khai thực hiện Chương trình là do vướng về cơ chế chính sách hay vướng do tổ chức thực hiện.

Đơn cử, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 nhóm đối tượng thụ hưởng Chương trình tại khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết số 120, gồm: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc, các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số, các trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện có xã, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua rà soát, đại biểu nhận thấy khoản 2, Điều 2 của Nghị quyết 120 không quy định đối tượng thụ hưởng chương trình mà giao Chính phủ triển khai thực hiện chương trình; đối tượng thụ hưởng chương trình được quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 1 của Nghị quyết số 88. Theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng Chương trình theo hướng mở rộng ra với 4 nhóm đối tượng trên.

Như vậy, "cần rà soát để bảo đảm tính bao quát trong các đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình lần này", đại biểu Đỗ Đức Hiển nói.

Tin và ảnh: Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/can-danh-gia-ro-hon-ve-cac-de-xuat-chinh-sach-i372844/