Cần công khai danh tính người dùng bằng tiếng Anh giả của Đại học Đông Đô
Đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng cần công khai danh tính và xử lý những kẻ sử dụng bằng cấp giả để trục lợi, leo cao, trèo sâu trong bộ máy chính quyền.
Dư luận xã hội đang đặc biệt chú ý đến 55 trường hợp sử dụng bằng tiếng Anh giả ở đại học Đông Đô với những mục đích như nghiên cứu, bảo vệ luận án tiến sĩ, thi công chức, viên chức…
Trả lời vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng cần phải công khai số cán bộ mua bằng giả của Đại học Đông Đô cho dù cán bộ cấp cao đến đâu.
Dư luận cần phải biết được danh tính, bộ mặt thật của những vị học giả, bằng thật, học gian dối từ đó lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.
"Hành vi này đối với những người bình thường đã không thể chấp nhận được chứ đừng nói đến những đối tượng như thạc sĩ, tiến sĩ, có chức có quyền", vị đại biểu Cà Mau nêu quan điểm.
Vì vậy, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, tùy theo mức độ nghiêm trọng hoàn toàn có thể xử lý về hình sự. Ngoài ra, những người sử dụng bằng giả cần bị kỷ luật luật Đảng, kỷ luật về mặt quản lý Nhà nước.
Vị đại biểu Cà Mau cho rằng có thể loại bỏ những người sử dụng bằng cấp giả ra khỏi tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước.
Đại biểu Lê Thanh Vân nhận định hành vi của những người bán và mua các loại bằng cấp giả để tiến thân là vô cùng nguy hiểm. Hành vi này có thể được xem là hành vi lừa dối Nhà nước, lừa đối người dân.
Nếu không xử lý nghiêm sẽ dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, cổ súy tệ nạn mua bán bằng cấp trong xã hội, xói mòn niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ.
“Không loại trừ những trường hợp sử dụng bằng giả để hợp thức hóa tiêu chuẩn, chui sâu, leo cao vào bộ máy chính quyền. Cho nên trong vụ này không chỉ xử lý những người bán bằng mà còn cần phải xử lý những người mua bằng.
Tùy theo tính chất và mức độ sai phạm trong việc quản lý cũng cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đây là một vụ việc mua bán bằng cấp điển hình và nghiêm trọng. Chính vì thế các cơ quan chức năng cần phải xử lý đến nơi đến chốn, tránh tạo tiền lệ xấu”, ông Lê Thanh Vân nói.
Cũng cùng quan điểm này, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần phải loại bỏ các đối tượng mua bán bằng cấp khỏi bộ máy chính quyền.
Ông Trần Xuân Nhĩ lưu ý có 2 nhóm cần phải làm rõ để xử lý. Nhóm thứ nhất là hội đồng quản trị và những người tham gia vào việc cấp bằng giả, bằng khống. Nhóm thứ hai là những người sử dụng bằng cấp giả để leo cao vào bộ máy Nhà nước.
Việc xử lý nhóm đối tượng thứ hai là cần thiết nhưng phải đợi kết luận chính thức về mức độ sai phạm của nhóm đối tượng thứ nhất.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng nhận định những người sử dụng bằng cấp giả của Đại học Đông Đô hoàn toàn ý thức được rằng loại bằng cấp này không sử dụng được và trái quy định của pháp luật. Điều này chứng tỏ họ biết sai mà vẫn cố tình làm.
"Chính vì thế cần phải xử lý những người như vậy để răn đe và tránh tạo tiền lệ xấu", ông Nhĩ nêu quan điểm.
Hành vi của những kẻ mua bán, sử dụng bằng cấp giả của Đại học Đông Đô là rất nghiêm trọng và phải bị lên án.
Liên quan đến việc gian lận trong đào tạo, cấp phép văn bằng 2 ngôn ngữ Anh tại Đại học Đông Đô, theo kết luận điều tra của Cơ quan An Ninh điều tra, Bộ Công An, xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.
Kết quả xác minh, trong số 216 trường hợp nêu trên có tới 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).
Đối với 193 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này. Trong đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ; 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên; 1 trường hợp thi công chức; 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ; 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.