Cần chiến lược dài hơi tăng vốn cho ngân hàng quốc doanh

Ước tính, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã bơm khoảng 5,26 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm 45% thị phần tín dụng toàn hệ thống. Dù vậy, việc tăng vốn nhỏ giọt đang khiến các ngân hàng này đang ngày càng đối mặt với nỗi lo kẹt room tín dụng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, nên có chiến lược tăng vốn dài hơi cho ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Bởi nếu được tăng vốn, các ngân hàng này có thể bơm mạnh vốn cho nền kinh tế, giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, khi đó sức lan tỏa sẽ lớn hơn, đóng góp vào nền kinh tế nhiều hơn.

Chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế đang "hụt hơi"

Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý III/2022, dư nợ cho vay nền kinh tế của BIDV đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng, VietinBank 1,24 triệu tỷ đồng, Vietcombank khoảng 1,13 triệu tỷ đồng. Riêng Agribank theo số liệu công bố mới nhất đến đầu tháng 6, dư nợ cho vay nền kinh tế gần 1,4 triệu tỷ đồng. Như vậy, cả 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Big 4) đã cho vay nền kinh tế khoảng 5,26 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay toàn hệ thống.

Vốn điều lệ tăng chậm ảnh hưởng đến vai trò chủ lực, dẫn dắt thị trường của nhóm ngân hàng Big 4.

Ngân hàng thương mại nhà nước cũng là lực lượng chủ lực giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Điển hình là gần đây nhất, trong khi lãi suất cho vay trên thị trường tăng cao, Vietcombank tiên phong thực hiện giảm lãi suất cho vay 1% hỗ trợ khách hàng.

Mặc dù đóng góp lớn với nền kinh tế - cả cung ứng tín dụng lẫn hỗ trợ doanh nghiệp - song các ngân hàng quốc doanh này lại hết sức chật vật mới được cho phép tăng vốn thời gian qua.

Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước nhận định, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới cuối tháng 7/2022, vốn điều lệ của nhóm Big 4 đạt 180.300 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7,06 triệu tỷ đồng.

Trước đó, sau một thập kỷ ròng rã kiến nghị, mòn mỏi chờ đợi, Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng. BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng. VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án.

Trong khi đó, Agribank vẫn đang trong quá trình các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cấp thiết tăng vốn

Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đề nghị Chính phủ trong năm 2023 đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Với vai trò là nhóm ngân hàng chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế, nếu không đảm bảo được quy định Basel II, khả năng cung ứng vốn cho toàn nền kinh tế của nhóm Big 4 bị ảnh hưởng, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng của ngân hàng sẽ giảm đi.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, hiện nay, Agribank cung ứng 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nên việc Agribank giảm cung ứng vốn cho nền kinh tế sẽ tác động xấu đến sản xuất - kinh doanh, thu nhập của hàng triệu khách hàng là các cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn nông thôn.

Trong khi đó, mặc dù vừa được tăng vốn, song tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Vietcombank và BIDV cũng không chắc chắn và phải căn cơ cho định hướng phát triển lâu dài.

Theo báo cáo cập nhật về Vietcombank, CTCP Chứng khoán SSI bày tỏ quan ngại về tỷ lệ an toàn vốn hiện tại của ngân hàng này vì CAR (theo Basel II) hiện chỉ ở mức 9,35%, nghĩa là Vietcombank cần thiết phải tăng vốn.

Trong mô hình định giá của SSI, chuyên gia giả định việc phát hành cổ phiếu mới với tỷ lệ 6,5% sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023, qua đó giúp tăng hệ số CAR khoảng 2-2,5 điểm %. Mặt khác, kế hoạch phát hành riêng lẻ có thể sẽ không hoàn thành vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.

Còn theo lãnh đạo BIDV, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ nền kinh tế. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

Vì vậy, sau khi hoàn thành trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25,7%, nâng vốn điều lệ lên 50.585 tỷ đồng, BIDV có kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới, tương đương 8,5% vốn điều lệ qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, nhưng chưa thực hiện…

Tương tự, hồi đầu năm nay, Vietcombank cũng đã hoàn thành phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, nâng vốn lên hơn 47.300 tỷ đồng, đồng thời tiếp tục trình phương tăng vốn điều lệ tại kỳ Đại hội đồng cổ đông năm nay.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/can-chien-luoc-dai-hoi-tang-von-cho-ngan-hang-quoc-doanh-1089716.html