Cát biển sau khi được khai thác tại biển Sóc Trăng, sẽ được đưa về vùng nước ngọt sông Hậu cách mỏ khoảng 40km để rửa mặn. Hơn 2 tháng khởi công, đến nay, mỏ cát biển đã đưa về dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau hơn 90.000m³.
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) tổ chức khởi công khai cát biển tại vùng biển B1, cách cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) khoảng 40km. Đây là mỏ cát biển đầu tiên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được khai thác nhằm phục vụ san lấp các dự án trọng điểm theo cơ chế đặc thù của Quốc hội.
Ông Đỗ Minh Châu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C cho biết, mỗi tàu cát chuyển đến công trường dự án sẽ phải qua nhiều lần kiểm tra độ mặn, kết quả đều được báo cáo đến ngành chức năng của các địa phương để giám sát.
Khi cát đầy khoang tàu, công nhân đo độ mặn tại chỗ từ 22 - 25‰. Tàu sau đó vào điểm sang mạn (rửa mặn) trên đoạn sông Hậu thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, công nhân bơm nước ngọt vào khoang tàu để rửa, giảm bớt độ mặn của cát biển.
Khi độ mặn của cát còn khoảng 13-17‰, cát được chuyển từ tàu hút sang sà lan. Khi sà lan về đến công trường, một lần nữa cát được bơm nước để rửa và kiểm tra lại độ mặn. Theo ông Châu, tại Kiên Giang và Cà Mau, độ mặn nước đo tại các con sông rạch sát công trình khoảng 22-27‰, cao hơn độ mặn của cát biển sau khi rửa (độ mặn cát sau rửa còn khoảng 20-22‰). Theo tiêu chuẩn, độ mặn của vật liệu đắp phải nhỏ hơn 5% - tương đương 50‰. Như vậy, chất lượng cát biển sau rửa đảm bảo các quy định của ngành giao thông trong san nền đường.
Tuy nhiên, theo ông Châu, do đây là lần đầu tiên tổ chức khai thác cát biển phục vụ thi công tại một dự án cao tốc nên các đơn vị liên quan còn lúng túng về trình tự thủ tục, phương án khai thác và điều kiện khai thác hết sức khó khăn như biển động, gió lớn, đường vận chuyển xa... dẫn đến lượng cát biển đưa về công trường chưa đạt được như kỳ vọng. Các tàu khai thác cát hoạt động trên biển lại bị hạn chế số lượng, chỉ được đăng kiểm và hoạt động theo khu vực, theo dự án. Do đó, việc huy động tàu đáp ứng công suất dự án còn bị chậm so với dự định.
Hơn 2 tháng khởi công, đến nay, tổng khối lượng cát biển đã đưa về dự án hơn 90.000m3. Đầu tháng 9/2024, công suất khai thác đã nâng thêm 5.500m3/ngày, tăng tổng số đạt gần 18.000m3 cát biển/ngày. Hiện nhà thầu tiếp tục huy động thêm thiết bị khai thác để đảm bảo đạt được 20.000 - 30.000m3/ngày, nhằm phục vụ nhu cầu tiến độ dự án.
Để vận chuyển cát từ vùng biển Sóc Trăng về công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, các tàu phải di chuyển hơn 180km, mất khoảng 32-34 giờ đồng hồ. Ảnh: P.V.
Trước đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp bản xác nhận khu B1.1 và B1.2 cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C khai thác phục vụ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Ngày 29/6, nhà thầu bắt đầu khai thác cát biển. Phương pháp khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là sử dụng vòi hút của các tàu rùa chạy dài trên mặt cát dưới đáy biển. Khu vực biển khai thác cát được ngành chức năng giới hạn bởi bốn điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép khai thác là 7,5m, độ cao được phép sử dụng là 5m tính từ mặt nước biển. Thời hạn khai thác cát biển đến hết ngày 21/12/2024. Thời gian các đơn vị liên quan được khai thác khoáng sản từ 7 - 17h hằng ngày (không khai thác ban đêm).
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công ngày 1/1/2023, có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước. Dự án được phân thành 2 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km và Dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km. Dự kiến tuyến cao tốc hoàn thành năm 2025.