Sáng 9/4, Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội cùng đơn vị liên quan tổ chức thử nghiệm, nghiệm thu tại hiện trường (ga S9) máy đào hầm đường sắt đô thị (TBM) thuộc tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.
Dưới sự điều khiển của hàng chục kỹ sư trong và ngoài nước, "quái vật" nặng 850 tấn đã được chạy thử nghiệm tại ga S9 Kim Mã.
Ngay sau khi lắp đặt thành công, quá trình SAT được tiến hành. Đây là quá trình thí nghiệm kiểm tra toàn bộ chức năng của thiết bị sau khi lắp đặt và tích hợp với hệ thống phụ trợ. Mục đích chính của SAT là đánh giá tổng thể thiết bị sau quá trình lắp ráp thông qua các thông số kỹ thuật của thiết kế.
Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt Hà Nội cho biết, sau quá trình vận hành thử nghiệm này, các đơn vị liên quan sẽ kết nối "quái vật" nặng 850 tấn này với các thiết bị, phụ kiện trên mặt đất.
Vị trí điểm khoan đầu tiên mà roto thứ hai sẽ thực hiện sau khi được nghiệm thu. Dự kiến từ nay đến tháng 7, các công tác vận hành thử nghiệm máy đào TBM sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Ngay sau khi đào xong 1,5m hầm ngầm, cánh tay rô bốt khổng lồ của máy đào tiến hành lắp ráp 6 miếng vỏ hầm (mỗi miếng vỏ hầm nặng khoảng 4 tấn) để tạo thành vòng tròn khép kín có đường kính trong 5,7m, chiều dày 0,3m.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài hơn 12km, trong đó tuyến đi trên cao dài 8km, tuyến đường hầm dài hơn 4km.
Ban Quản lý dự án đường sắt Hà Nội dự kiến mỗi ngày máy đào TBM đào được khoảng 10m. Dự kiến, trong hơn 1 năm sẽ đào hết 4km đường hầm đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Để vận hành mỗi máy đào TBM cần khoảng 20 kỹ sư làm việc trong một ca.Sau khi lắp ráp xong máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4 km. Hai máy sẽ vận hành đồng thời, nhưng cách nhau khoảng 100 m.
Máy đào TBM sử dụng công nghệ đào hiện đại, nên quá trình đào hầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động trên mặt đất.
Mỗi máy đào TBM dài khoảng 100 m, bao gồm các bộ phận chính như: Đầu cắt, khiên trước, khiên giữa, khiên đuôi, dẫn động chính, vít tải, hệ lắp dựng vỏ hầm, buồng điều áp và các hệ thống phụ trợ khác.
Máy đào hầm đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có đường kính 7-17,5m. Với kích thước như vậy sẽ đủ để chứa máy móc, công nhân ở bên trong để vận hành. Sau khi thi công, hầm sẽ gồm 2 ống hầm rộng 6,3m. Đoạn ngầm của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội nằm ở độ sâu từ 21-22m.
Nguyễn Hữu Thắng