Cần bổ sung chính sách khuyến khích doanh nghiệp đồng tài trợ cho khoa học

Chiều 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Theo đánh giá của các đại biểu, dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa nhiều định hướng quan trọng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để quy định cơ chế đột phá cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân cho các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương,

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam).

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam).

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) kỳ vọng, sau khi ban hành, Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải trở thành đường cao tốc Bắc - Nam, là huyết mạch khơi thông mọi nguồn lực, kết nối các lĩnh vực nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực mới trong tăng trưởng và phát triển bứt phá kinh tế - xã hội.

Ngoài việc thiết kế các chính sách nhằm quản lý, phát huy có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, dự thảo luật cần chú trọng thêm về các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ các nhà khoa học một cách có chiều sâu và bền vững. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp nhằm khơi thông và huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân.

“Nên xem xét bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đồng tài trợ giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có quy định khuyến khích thu hút nguồn lực từ xã hội, nguồn lực hợp pháp khác để xây dựng quỹ khoa học công nghệ, quỹ đầu tư/quỹ đầu tư mạo hiểm tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học công nghệ”, đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị.

Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) cũng nhận xét, các quy định trong Dự thảo thể hiện chính sách đổi mới, mở ra nhiều ưu đãi cho hoạt động khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, để chủ trương chuyển dịch đạt hiệu quả, rất cần có chiến lược đầu tư trọng điểm, cơ chế phối hợp linh hoạt và không thể thiếu là môi trường học thuật cởi mở, tôn trọng tự do nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Nhìn từ mối quan hệ nhà nước - thị trường - xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo Luật đã thể hiện vai trò của Nhà nước (định hướng chiến lược, chính sách ưu đãi, đầu tư hạ tầng) song lại chưa tạo ra được cơ chế liên kết chặt chẽ giữa ba bên, dễ dẫn đến tình trạng “việc ai đấy làm”. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định nhằm xác lập Cơ chế đối thoại và phối hợp với sự tham gia của đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu và tổ chức xã hội.

Về thị trường, đại biểu cho rằng, ngoài các cơ chế ưu đãi trong dự thảo, nên bổ sung thêm một số ưu đãi như: Miễn lãi suất vay vốn trong 3-5 năm đầu; Bảo lãnh tín dụng. Bổ sung cơ chế “Voucher đổi mới sáng tạo”, cho phép doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng các voucher này để chi trả cho dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đây là cơ chế đã được nhiều quốc gia áp dụng thành công.

Riêng về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đại biểu đánh giá cao, song cũng đồng thời đề nghị sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, mặt khác, không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-bo-sung-chinh-sach-khuyen-khich-doanh-nghiep-dong-tai-tro-cho-khoa-hoc-d283419.html