Cần bổ sung biện pháp phòng ngừa thao túng thị trường
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 8, sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật. Đây là các dự án luật được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ thể chế, tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Đối với Luật Chứng khoán, các đại biểu Quốc hội nhận định hiện đã có các quy định nhằm tách biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, song còn chưa đảm bảo tính chặt chẽ. Điều này dẫn đến việc nhiều đối tượng tìm cách lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những nhà đầu tư nhỏ lẻ, gây ra nhiều rủi ro cho thị trường. Để khắc phục điều này, đề nghị cần bổ sung quy định theo hướng nâng chất lượng của trái phiếu.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cho biết: "Cần thống nhất xử lý thao túng phù hợp với pháp luật liên quan, tránh chồng chéo. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo, cần giải pháp xử lý kỹ".
Việc giao Chính phủ, UBND tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên trong Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị làm rõ về điều kiện cũng như mức độ giới hạn về mức vốn được sử dụng kinh phí chi thường xuyên cho nhiệm vụ, dự án mang tính chất đầu tư.
Liên quan đến Luật ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, để bảo đảm tính khả thi, đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại, cần xem xét sửa đổi Điều 10 của Luật này. Theo đó, xem xét điều chỉnh tăng trần mức bố trí dự phòng ngân sách nhà nước mỗi cấp và bổ sung các nhiệm vụ chi được sử dụng từ nguồn dự phòng.