Cầm xương lợn ném vào mắt bạn hàng trong lúc cãi vã
Trong lúc bán hàng tại chợ, Thỏa và chị Hoa xảy ra cãi vã, Thỏa đã cầm cục xương lợn ném trúng mắt chị Hoa, khiến chị này bị thương tổn 29%.
Ngày 9/12, TAND Hà Nội mở phiên xử phúc thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Thỏa (50 tuổi, trú huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội Cố ý gây thương tích.
Theo bản án sơ thẩm ngày 30/8, Nguyễn Thị Thỏa và chị Trịnh Thị Hoa (54 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cùng kinh doanh bán thịt lợn tại chợ Trường Yên, xã Chương Mỹ, Hà Nội, có quầy bán hàng gần nhau. Thời gian bán hàng, 2 bên thỉnh thoảng xảy ra mâu thuẫn cãi nhau.
Khoảng 5h ngày 25/11/2020, cả hai đang bán hàng, thì xảy ra cãi chửi nhau. Dù được mọi người can ngăn, cả hai không dừng lại. Theo Thỏa, bức xúc vì bị chị Hoa xúc phạm đến bố mình nên đã cầm cục xương lợn (xương cù mông) ném về phía chị Hoa, trúng vào vùng mặt bên trái gây thương tích cho chị. Tuy nhiên, chị Hoa khẳng định đã bị Thỏa cầm xương lợn đi sang gian hàng mình, đập vào mắt bên trái của chị, gây thương tích.
Chị Hoa được gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Mắt Trung ương. Hậu quả bị chấn thương vùng mắt trái, rách da mi, giám định thương tổn 29%. Theo bản án sơ thẩm, Thỏa lĩnh 28 tháng tù treo, phải bồi thường dân sự hơn 60 triệu đồng.
Theo luật sư của chị Hoa, bản án sơ thẩm chưa đảm bảo tính khách quan, tính răn đe đối với bị cáo. Hành vi của bị cáo được thực hiện có chủ đích gây thương tích đặc biệt nghiêm trọng cho mắt của chị Hoa. Quá trình điều tra bị cáo không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải.
Bị cáo chỉ thừa nhận dùng khúc xương ném về phía bị hại, không thừa nhận dùng khúc xương này đập vào mắt, với mục đích gây mù mắt của chị Hoa. Hành vi này phải được xem xét theo tính chất côn đồ là tình tiết tăng nặng của vụ án. Mức bồi thường dân sự theo tòa sơ thẩm tuyên là quá ít, không phù hợp, nên đề nghị HĐXX tăng mức hình phạt đối với bị cáo. Tổng mức bồi thường hơn 624 triệu đồng gồm chi phí chữa bệnh, tiền thu nhập thực tế bị mất, bù đắp tổn thất tinh thần cho chị Hoa.
Luật sư của bị hại cho rằng cơ quan tố tụng có sai sót trong quá trình giám định thương tích, giảm tỷ lệ thương tích của bị hại là không có cơ sở.
Còn theo luật sư bảo vệ quyền lợi của chị Thỏa, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Sau phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo đã bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền theo bản án quy định. Chị Hoa xin giảm nhẹ một phần hình phạt.
Suốt phiên tòa, Thỏa cúi gằm mặt xuống đất. Ở hàng ghế phía sau, chồng bị cáo lặng lẽ ngồi nghe diễn biến phiên xử. Tại phiên tòa, bị hại và bị cáo vẫn đưa ra lời khai khác nhau về sự việc. Chị Hoa cho biết từ ngày đến chợ, Thỏa đã nhiều lần chuyển chỗ bán hàng vì xích mích với người ở chợ. Chị cho biết sự việc đáng tiếc xảy ra sau khi chồng chị vừa đi về nhà.
Từ khi bị hành hung, chị Hoa không thể kinh doanh vì sức khỏe yếu, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Chị mong muốn bị cáo nhận hình phạt nghiêm khắc hơn.
“Từ tận đáy lòng, tôi chỉ muốn xin lỗi chị Hoa”, bị cáo nói lời sau cùng.
“Hành vi của bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sức khỏe của con người, gây mất trật tự xã hội, gây bất bình cho người dân, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh tại địa phương”, thẩm phán nhận định.
“Bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống Covid-19 tại địa phương, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, do đó việc áp dụng hình phạt tù giam với bị cáo là không cần thiết. HĐXX tuyên bị cáo 28 tháng tù treo, bồi thường thiệt hại 81 triệu đồng”, thẩm phán tuyên án.