'Cấm sinh viên dùng ChatGPT để viết bài luận là quá bảo thủ'
'Không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT sẽ có thể thay thế con người, bởi ứng dụng này chỉ có thể tổng hợp thông tin, nhưng lại không có tư duy phản biện. Do đó đây sẽ chỉ là công cụ giúp ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày'.
Đây là chia sẻ của PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (ĐH Bách khoa Hà Nội) tại Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” diễn ra chiều nay (13/2).
PGS.TS Tạ Hải Tùng cho biết, những người làm công nghệ như ông khá bình tĩnh trước “cơn sốt” ChatGPT, bởi trước đó cũng đã có nhiều công nghệ AI xuất hiện và ChatGPT cũng là một trong số đó. Trong thời gian tới, chắc chắn thế giới sẽ còn nhiều bất ngờ về trí tuệ nhân tạo.
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, chúng ta không nên kỳ vọng hay lo lắng ChatGPT sẽ có thể thay thế con người, bởi ứng dụng này chỉ có thể tổng hợp thông tin, nhưng lại không có tư duy phản biện. Do đó, đây sẽ chỉ là công cụ giúp ngành giáo dục tốt hơn mỗi ngày.
Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, hiện nay một số trường cấm sinh viên dùng ChatGPT để viết bài luận là “bảo thủ”.
“Nhiều em sinh viên kỹ năng viết bài luận rất kém do đã quen với ngôn ngữ ngắn ngọn khi chat trên mạng xã hội. Nhiều em khó đạt điểm 5 bài luận dù có kiến thức nhưng lại không biết cách diễn đạt. Tuy nhiên, nếu có thể sử dụng nguồn dữ liệu từ ChatGPT các em có thể cải thiện chất lượng bài viết. Như vậy công nghệ sẽ giúp sinh viên tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục và không đe dọa bất cứ ai. Chúng ta cần thích ứng để từ đó nâng chuẩn giáo dục”, thầy Tùng bày tỏ quan điểm.
Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho giáo dục, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, giáo viên có thể giải phóng những công việc lặp đi lặp lại, tạo ra những cơ hội mà thầy cô và học sinh chưa kịp đề cập trong thời gian lên lớp.
Còn theo GS. TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cần có lộ trình nhất định đối với việc ứng dụng công nghệ nhân tạo vào đổi mới giáo dục. Sự nhất quán trong quản lý cũng rất quan trọng. Đây cũng được xem là cơ hội tiếp tục đổi mới nhận thức trong đội ngũ giảng viên về yêu cầu dẫn dắt, khả năng truyền thụ.
Phát biểu cuối tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đó là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội rất lớn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, ngành giáo dục cần phải có những chính sách kịp thời.
“Tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào ra có thể bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận công nghệ và cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ.
Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó”, Thứ trưởng khẳng định, đồng thời mong muốn các học sinh, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục sử dụng, cảm nhận, trải nghiệm công nghệ để hiểu hơn và cùng thảo luận, tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại, tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời.
Thứ trưởng cũng cho rằng, việc hình thành các trung tâm dạy học xuất sắc trong nhà trường rất cần thiết nhằm hỗ trợ người thầy giảm bớt khối lượng công việc, tăng năng suất, hiệu quả và chất lượng cũng như là bình đẳng trong giáo dục.
“Ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và để làm sao cuối cùng chúng ta mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt. Và tất cả chính sách cũng đều hướng đến ý nghĩa đó. Giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường. Đó là những chính sách mà Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để điều chỉnh. Và chúng ta còn rất nhiều thời gian và cũng sẽ hào hứng chờ đợi những phát triển công nghệ mới trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.