Cấm nhà trọ, cấm chung cư mini: Người lao động thu nhập thấp ở đâu?

Trước 2 vụ cháy kinh hoàng tại Hà Nội trong chưa đầy 1 năm, một số quan điểm cho rằng nên 'cấm' các mô hình nhà ở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, nếu cấm thì người lao động có thu nhập thấp sẽ ở đâu?

Người lao động thu nhập thấp ở đâu khi nhà trọ, chung cư mini bị cấm?

Trong vòng chưa đầy 1 năm, 2 vụ hỏa hoạn kinh hoàng, để lại hậu quả nghiêm trọng về cả người lẫn tài sản xảy ra tại Hà Nội.

Cụ thể, vào tháng 9/2023, vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân đã khiến 56 người chết và hàng chục người khác bị thương. Đây được coi là cháy kinh hoàng nhất xảy ra tại Hà Nội.

Mới đây nhất, vào rạng sáng 24/5/2024, vụ cháy nhà dân tại đường Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến 14 người tử vong.

 Vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân đã khiến 56 người chết. (Ảnh: ST)

Vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân đã khiến 56 người chết. (Ảnh: ST)

Vụ cháy tại Khương Hạ và Trung Kính chỉ là 2 trong hàng nghìn vụ cháy nổ xảy ra mỗi năm. Tuy nhiên, 2 vụ cháy này gây ra thương vong rất lớn, gây chấn động dư luận và để lại ám ảnh cho nhiều người.

Điểm chung của 2 vụ cháy này đều là những công trình nhà ở thương mại đông người cùng sống trong một không gian nhỏ hẹp, tuy nhiên lại thiếu an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, nhà ở trong ngõ sâu, công tác phòng cháy, chữa cháy rất khó khăn, dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Trước 2 sự việc đau lòng kể trên, một số quan điểm cho rằng nên “cấm” các mô hình nhà ở không đảm bảo phòng cháy chữa cháy.

Trả lời trên báo chí hôm qua (24/5), ngay sau vụ cháy nhà dân tại Trung Kính, một vị đại biểu Quốc hội đã lên tiếng: “Trong quy định nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh phải có phương án giải pháp phòng cháy, ngăn cháy, phải thêm vào quy định này. Nếu trường hợp kết hợp với sản xuất kinh doanh trong điều kiện ngôi nhà đó kết hợp cả với phòng trọ thì tôi cho rằng chúng ta nên cấm điều đó. Chúng ta không thể tạo ra những rủi ro cao như vậy”.

 Vụ cháy nhà dân tại đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến 14 người tử vong. (Ảnh: QH)

Vụ cháy nhà dân tại đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã khiến 14 người tử vong. (Ảnh: QH)

Vị này cũng cho rằng: Trong luật cần phải cấm không cho phép kinh doanh trong diện tích có đông số lượng người (ví dụ từ 10 người trở lên) hoặc trong trường hợp không đảm bảo về phòng cháy, hệ thống chữa cháy.

Trước đó, ngay sau khi vụ cháy tại Khương Hạ, Thanh Xuân xảy ra, một số quan điểm cũng lên tiếng đề nghị “cấm” các sản phẩm căn hộ mini.

Trong trường hợp Việt Nam “cấm” các loại hình nhà ở này thật, vậy người dân sẽ sống ở đâu, nhất là những người lao động có thu nhập thấp?

Trên thực tế, giá nhà ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM rất cao và tăng tịnh tiến qua mỗi tháng, mỗi quý.

Theo Savills Việt Nam, giá bán sơ cấp căn hộ tại Hà Nội đã tăng 19 quý liên tiếp. Hiện, giá căn hộ sơ cấp ghi nhận mức giá bình quân là 59 triệu đồng/m2.

Giá căn hộ đã cao, giá nhà đất còn cao hơn gấp bội. Ngay cả giá nhà đất trong ngõ cũng không hề rẻ. Theo báo cáo của One Housing, giá nhà đất trong ngõ đạt mức kỷ lục 170 triệu đồng/m2 đối với khu vực trung tâm và khoảng 100 triệu đồng/m2 đối với ngoài trung tâm.

Đối với nhà mặt phố tại Hà Nội có giá dao động từ 400 triệu đồng cho tới cả tỷ đồng cho một mét vuông, thậm chí trong khu vực trung tâm giá còn lên tới 1,2 - 1,3 tỷ đồng/m2. Với mức giá cao ngất ngưởng như trên, người dân chỉ có thể mua nhà mặt phố “trong mơ”.

Trong khi đó, theo số liệu khảo sát mức sống dân cư năm 2022, thu bình quân đầu người cả nước trong năm 2022 đạt khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Đối người dân đang làm việc tại Hà Nội, thu nhập bình quân năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng; Còn tại TP HCM là 6,3 triệu đồng/tháng.

Như vậy, người dân Hà Nội phải làm việc cật lực hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm mới có thể mua nhà được tại Thủ đô. Do đó, dù biết nguy hiểm luôn rình rập, nhưng các sản phẩm nhà trọ, chung cư mini... là lựa chọn bắt buộc của những người dân chưa có nhà ở cố định.

Nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho thuê: Cam kết nhiều, thực hiện chẳng bao nhiêu

Phải khẳng định rất khó để cấm các loại hình nhà trọ, thậm chí là bất khả thi. Tuy nhiên, để hạn chế rủi ro thì có thể. Nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho thuê chính là giải pháp.

Trong vài năm gần đây, Chính phủ và các cơ quan trung ương đã đẩy mạnh chính sách, đưa ra các chương trình nhà ở khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà ở xã hội để cho thuê, Hà Nội cũng không ngoại lệ.

Tại Hội nghị triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 diễn ra vào cuối tháng 2/2024, lãnh đạo UBND Hà Nội cho biết: Theo Chiến lược, chương trình phát triển nhà ở đến 2030, Hà Nội xác định đến 2025 phải hoàn thành 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; đến năm 2030 cần khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

 Hà Nội đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho thuê. (Ảnh: ST)

Hà Nội đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở xã hội cho thuê. (Ảnh: ST)

Hà Nội đã chủ động dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích khoảng 400 ha.

“Tính đến năm 2023, thành phố Hà Nội đã bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung. Đến 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 18.000 căn hộ, thực hiện đúng yêu cầu của Đề án”, đại diện UBND Hà Nội tiết lộ.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy các dự án nhà ở xã hội chậm khởi công với nhiều lý do. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có tới 6 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Một số dự án dự kiến bàn giao nhà vào năm 2020, nhưng tới nay sau 4 năm vẫn là bãi đất trống.

Trong một sự kiện diễn ra hồi tháng 2/2024, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã “bêu tên” một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư còn hạn chế. Điển hình là Hà Nội (3 dự án - 1.700 căn, đáp ứng 9%), TP HCM (7 dự án - 4.996 căn, đáp ứng 19%), Đà Nẵng (5 dự án - 2.750 căn, đáp ứng 43%)...

Một số địa phương thậm chí không có dự án nào được khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Hà Giang, Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng nêu rõ một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai xây dựng.

Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng chưa được các doanh nghiệp triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ. Một số dự án đã đủ điều vay vốn ưu đãi, tuy nhiên chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam thông tin, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu thị trường đối với phân khúc nhà ở xã hội nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp rất nhiều vướng mắc.

“Vướng từ việc lập quy hoạch; quỹ đất; các thủ tục, quy trình thực hiện cho đến vướng ở quy trình chủ đầu tư rồi vướng ở đầu ra, lựa chọn đối tượng. Các điều kiện thì vướng còn lợi nhuận thì khống chế, giá bán có định mức nên họ tính toán lại và thấy không hấp dẫn dẫn tới việc vì sao không có nhiều dự án nhà ở xã hội và các doanh nghiệp không hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Đính nói.

Nhà trọ, chung cư thiếu an toàn, nhưng nhà ở xã hội đủ điều kiện phóng cháy chữa cháy thì thiếu nghiêm trọng, vậy người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp sẽ ở đâu để được an toàn vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cam-nha-tro-cam-chung-cu-mini-nguoi-lao-dong-thu-nhap-thap-o-dau-post296828.html