Cái nôi huấn luyện và đào tạo VĐV môn bơi khuyết tật của cả nước
Trong những năm qua, Trung tâm Huấn luyện thể thao (TT) quốc gia tại Đà Nẵng đã làm tốt công tác tuyển chọn, quản lý, huấn luyện VĐV trên toàn quốc và trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đóng góp nhiều huy chương danh dự trên các đấu trường khu vực và quốc tế. Không chỉ các môn thể thao thành tích cao như điền kinh, bơi, bóng chuyền bãi biển, canoeing, rowing, sailing, teakwondo, đá cầu, TT còn huấn luyện và đào tạo VĐV bơi người khuyết tật (NKT) quốc gia, đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Mới đây nhất, 2 VĐV từ TT đã đạt thành tích tốt tại Thế vận hội NKT thế giới Paralympic 2024 tổ chức tại Paris từ ngày 20-8 đến ngày 9-9-2024. Đó là VĐV Lê Tiến Đạt xếp hạng 4 và VĐV Đỗ Thanh Hải xếp hạng 5.
Cụ thể, thực hiện Quyết định của Cục Thể dục thể thao về việc tập huấn môn Bơi thể thao NKT tại TT, tháng 1-2023, đội tuyển được thành lập gồm 4 HLV và 21 VĐV, được phân chia thành 2 nhóm huấn luyện chính, tập trung củng cố và nâng cao tốc độ và sức bền tốc độ của VĐV. Giai đoạn đầu, đội đi vào huấn luyện các cự ly chính, đảm bảo tính toàn diện trong huấn luyện cùng với chú ý đến việc nâng cao sức bền chuyên môn. Bên cạnh đó, các HLV còn quan tâm rèn luyện khả năng phân phối tốc độ trên toàn cự ly; tăng cường các bài tập thi đấu và kiểm tra để ổn định tâm lý, và phát triển năng lực thi đấu; hình thành, củng cố và hoàn thiện các tố chất vận động một cách toàn diện; phát triển khả năng ưa khí cho VĐV; rèn luyện tâm lý tập luyện và thi đấu trong các môi trường thi đấu quốc tế; hoàn thiện hồ sơ y tế VĐV để phân loại thương tật quốc tế tại Đại hội thể thao NKT Đông Nam Á và các giải trong hệ thống bơi lội của Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC).
Được sự quan tâm của Cục Thể dục thể thao, các phòng chức năng TT, ban huấn luyện cùng toàn thể VĐV đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra theo đúng kế hoạch; đảm bảo tốt điều kiện ăn ở, việc thực hiện kế hoạch huấn luyện và thi đấu; trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu đầy đủ và đúng quy định; cơ sở vật chất, thời tiết thuận lợi tạo điều kiện tốt cho việc tập luyện của VĐV.
Do tính chất đặc thù của môn thể thao này, hiện nay việc tìm kiếm các VĐV trẻ rất khó để thay thế lứa VĐV lớn tuổi. Phần lớn các VĐV đang tập huấn hiện tại đã có gia đình và con nhỏ nên việc tập trung tập huấn dài hạn không được chủ động. Bên cạnh đó, do đặc điểm trình độ, giới tính, lứa tuổi, hạng thương tật khác nhau nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được trên giao, ban huấn luyện môn bơi NKT đã xây dụng một số phương hướng và nhiệm vụ tùy vào điều kiện, đặc điểm và năng lực của VĐV. Các VĐV đã tích cực luyện tập, từng bước hoàn thiện kỹ chiến thuật cùng ban huấn luyện nên các công tác chuẩn bị cho đoàn tham dự các giải thể thao quốc gia và quốc tế luôn được chủ động và tham gia thi đấu với trạng thái thi đấu tốt nhất.
Sau quá trình huấn luyện và đào tạo bài bản và đúng hướng, đoàn thể thao bơi khuyết tật quốc gia đã đạt được những thành tích xuất sắc. Ngoài 2 VĐV được tham dự và đạt thành tích tốt tại Paralympic Paris 2024, tại Đại hội Thể thao NKT Đông Nam Á lần thứ 12 -PARA GAMES 12 diễn ra tại Campuchia tháng 6-2023, đoàn VĐV bơi NKT Việt Nam đã đạt được 28 HCV, 19 HCB, 26 HCĐ, phá 17 kỷ lục Đại hội. Tại Đại hội Thể thao NKT Châu Á lần thứ 4 – ASIAN PARA GAMES 4 tại Hàng Châu, Trung Quốc tháng 10-2023, đoàn đạt được 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ và 3 thành tích đạt chuẩn Paralympic Paris 2024. Về thành tích trong nước, tại Giải Vô địch môn Bơi lội NKT toàn quốc năm 2023, được sự huấn luyện, trui rèn của các HLV, 16 VĐV thi đấu cho các địa phương đã xuất sắc đạt 25 HCV, 17 HCB và 8 HCĐ.
Do năm 2024 và năm 2025 không có các đại hội khu vực và châu lục nên ban huấn luyện đã cho một số VĐV đội tuyển bơi tạm nghỉ tập trung tập huấn trong năm 2024, chỉ tập trung tập huấn những VĐV đạt chuẩn Paralympic năm 2024, những VĐV có thành tích tại Đại hội thể thao NKT Châu Á, Hàng Châu năm 2023 và các VĐV đi xác định thương tật để có hướng tập huấn cho các đại hội sắp tới. TT cũng tạo điều kiện cho HLV, VĐV có triển vọng đi tập huấn và thi đấu nước ngoài để chốt thành tích chuẩn cho Paralympic; tìm kiếm một số VĐV trẻ có thành tích tốt vào tập huấn và phân loại thương tật quốc tế để chuẩn bị lực lượng kế cận cho lứa VĐV đã lớn tuổi và không còn thành tích quốc tế...
Theo ông Phạm Hoàng Tùng- Giám đốc TTHLTT Quốc gia tại Đà Nẵng, người luôn đồng hành, chia sẻ cùng VĐV NKT, mỗi thành viên trong ban huấn luyện luôn xác định phải là tấm gương cho toàn thể VĐV noi theo về đạo đức, lối sống, tinh thần, thái độ làm việc; trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng ban huấn luyện ngày càng vững mạnh về chuyên môn, đoàn kết trong nội bộ để phấn đấu đạt thành tích tốt nhất trong thời gian đến.