Cái giá phải trả khi Đài Loan theo đuổi chiến lược 'Zero Covid-19'
Đài Loan, từng là hình mẫu chống dịch Covid-19, vẫn đang đóng cửa với thế giới. Bất chấp những thiệt hại đối với du lịch, thương mại, đời sống, hòn đảo này vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại.
Tại một quán bar bên bãi biển ở phía Nam Đài Loan, một nhóm khách du lịch mặc đồ bơi, đi chân trần quanh chiếc bàn ngoài trời, tận hưởng đêm giữa tuần ấm áp, thịt bò giá rẻ, không có đám đông và không Covid-19.
Chủ quán bar cho biết, khách du lịch nội địa tới làng lướt sóng South Bay đang bùng nổ, nhưng chủ yếu tập trung vào cuối tuần. Những ngày trong tuần, quán cũng không có một khách quốc tế nào, chưa nói đến việc mong bù đắp lại 3 tháng khó khăn buộc phải đóng cửa do đợt bùng phát Covid-19 mùa hè vừa qua.
Chủ quán cho biết, công việc kinh doanh cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề chuỗi cung ứng – một tác động thấy rõ của đại dịch – quán bar của cô không thể tìm mua được những đồ cơ bản như mayonnaise hay vỏ bánh tortilla.
“Thật điên rồ - tôi không thể tìm được những thứ đó trong suốt 3 tháng liền”, chủ quán bar nói.
Trong 18 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, cuộc sống ở Đài Loan vẫn rất bình yên. Trong khi các thành phố ở khắp Trung Quốc, châu Âu và châu Á bị phong tỏa, số ca tử vong do Covid-19 lên đến hàng triệu người, Đài Loan vẫn an toàn, và gần như bình thường.
Nhờ chiến lược ngăn chặn và nhanh chóng loại bỏ ca mắc Covid-19, Đài Loan chỉ ghi nhận 16.430 ca mắc – chủ yếu là các ca nhập cảnh và được phát hiện trong khu cách ly – và 847 ca tử vong do Covid-19.
Tuy nhiên hiện giờ, khi thế giới đã bắt đầu mở cửa, chấp nhận sống chung với virus và giảm nhẹ tác động của đại dịch bằng tỷ lệ tiêm chủng cao và các biện pháp khác, Đài Loan có nguy cơ bị tụt lại phía sau.
Cái giá phải trả
Gần 2 năm sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên, Đài Loan vẫn đang siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn đã tạo nên thành công ban đầu như đóng cửa chặt, kiểm dịch nghiêm ngặt, truy vết các ca mắc và bắt buộc đeo khẩu trang.
Vùng lãnh thổ Đài Loan cùng với Trung Quốc đại lục và đặc khu Hong Kong vẫn theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19 và chưa muốn trở lại một thế giới hậu Covid-19.
Các biện pháp hạn chế đã tác động đáng kể tới du lịch quốc tế, cản trở thương mại và làm trầm trọng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng. Dịch vụ hàng không đến và đi từ một số quốc gia bị đình chỉ. Nhiều gia đình bị chia cắt, sinh kế bị ảnh hưởng.
Năm 2019, có hơn 29 triệu lượt khách quốc tế đến Đài Loan. Năm 2020, trong thời kỳ cao điểm của đại dịch và trước khi có vaccine, con số này là 3,9 triệu. Từ đầu năm tới nay, con số này chỉ còn 335.000.
“Bạn có thể duy trì [chiến lược Zero Covid-19] trong bao lâu? Mọi thứ đều có cái giá của nó. Đài Loan đã phải hy sinh sự hợp tác quốc tế trong thương mại và trao đổi”, Giáo sư Chunhuei Chi, Giám đốc trung tâm sức khỏe toàn cầu của Đại học bang Oregon, cho biết.
Hồi tháng 7/2021, Economist Intelligence Unit cho biết chiến lược Zero Covid-19 được sử dụng ở các nước châu Á “mang lại cả lợi ích về sức khỏe và kinh tế, được nhiều người ủng hộ ở những nơi chính sách này được thực hiện”.
“Nếu phần còn lại của thế giới đã áp dụng cách tiếp cận tương tự, thì Zero Covid-19 có thể là một chiến lược bền vững” bản báo cáo của Economist Intelligence Unit đánh giá. Nhưng nhiều nước trên thế giới đã không làm như vậy và chính sách này “sẽ không khả thi khi nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại”.
Một số doanh nghiệp có trụ sở tại Đài Loan dựa vào thị trường toàn cầu đã bắt đầu xem xét việc chuyển hoạt động sản xuất khỏi hòn đảo này, do không có dấu hiệu cho thấy khi nào các biện pháp hạn chế sẽ được dỡ bỏ.
Có thể mất 3 năm để thay đổi chiến lược
Một trong các yếu tố khiến Đài Loan tiếp tục đóng cửa là hòn đảo này vẫn đang chật vật bắt kịp tỷ lệ tiêm chủng quốc tế, đặc biệt là mũi thứ hai. Do các lô hàng bàn giao theo hợp đồng đến chậm, cùng với tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu, chương trình tiêm chủng của Đài Loan phần lớn chỉ dựa vào các đợt tài trợ và gần đây là vaccine do hòn đảo này tự phát triển.
Khoảng 73% người dân ở Đài Loan đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine - với tỷ lệ cao nhất là ở người cao tuổi - và chỉ hơn 1/3 đã được tiêm mũi thứ hai. Chính quyền Đài Loan cho biết họ đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu 60% [dân số tiêm đủ 2 mũi] vào cuối năm nay.
Tháng 9 vừa qua, Cơ quan chỉ huy chống dịch (CECC) Đài Loan nói với Guardian rằng Zero Covid không phải là mục tiêu của cơ quan này nhưng họ đang đi theo hướng đó.
Cố vấn đặc biệt của CECC, giáo sư Lee Ping-ing, cho rằng có thể sẽ phải mất 3 năm để thay đổi chiến lược.
“Chúng ta phải đợi cho đến khi virus trở nên nhẹ hơn và hệ thống miễn dịch của con người có thể thích nghi trước khi chuyển sang sống chung với Covid-19”, ông Lee Ping-ing nói.
Giáo sư Steve Tsang, thuộc Viện SOAS, cho biết ông hiểu lý do tại sao giới chức không vội vàng thay đổi chiến lược, “nhưng sẽ phải chấp nhận rằng bây giờ chúng ta sẽ phải sống chung với Covid, và chính sách Zero Covid không bền vững nữa”.
“Có thể cần thêm thời gian để tăng tỷ lệ tiêm chủng trước khi có thể nới lỏng đáng kể các hạn chế đi lại, nhưng cần đưa ra các hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chí để thực hiện việc này”, giáo sư Tsang nói./.