Cái chết của Tanaru: Hồi chuông cảnh tỉnh về quyền bản địa và bảo vệ rừng Amazon

Cái chết của Tanaru, thành viên cuối cùng của một nhóm người bản địa 'không liên lạc' tại Amazon, đã khép lại sự tồn tại của dân tộc ông và đặt ra nhiều câu hỏi về quyền lợi của người bản địa cũng như tương lai của vùng đất tổ tiên.

Tanaru đã xây dựng hàng chục túp lều rơm và tranh trong nhiều năm, bao gồm cả túp lều này. Ảnh: theguardian.com

Tanaru đã xây dựng hàng chục túp lều rơm và tranh trong nhiều năm, bao gồm cả túp lều này. Ảnh: theguardian.com

Tanaru sống ẩn dật suốt hơn hai thập kỷ, tự duy trì bằng săn bắn, trồng trọt và xây dựng những ngôi nhà cùng các hố sâu bí ẩn trong lãnh thổ của mình. Khi ông qua đời vào năm 2022, vùng rừng nhiệt đới rộng 8.000 ha do ông bảo vệ trở thành tâm điểm tranh cãi về quyền sử dụng đất và bảo vệ môi trường.

Theo luật pháp Brazil, người dân bản địa có quyền sử dụng đất tổ tiên, dù quyền sở hữu thuộc về chính quyền liên bang. Tuy nhiên với sự ra đi của Tanaru, các luật sư đại diện cho chủ đất không phải người bản địa đã phản đối việc phân định lãnh thổ này, cho rằng nó không còn cư dân bản địa. Ngược lại, các công tố viên và nhà quản lý nhấn mạnh rằng vùng đất đã bị chiếm đóng từ lâu bởi người bản địa và cần được bảo vệ như một cách đền bù cho những hành động tàn bạo trong lịch sử.

Một hình ảnh chụp được ông Tanaru vào năm 2011. Ảnh: theguardian.com

Một hình ảnh chụp được ông Tanaru vào năm 2011. Ảnh: theguardian.com

Cái chết của ông Tanaru là kết quả của hàng thế kỷ thảm sát, nô dịch và dịch bệnh mà người dân bản địa Amazon phải gánh chịu. Trong các thập kỷ trước, những cuộc tấn công có mục đích, cố ý lây lan dịch bệnh và hành vi thanh trừng sắc tộc đã khiến nhiều nhóm bản địa bị xóa sổ. Những tội ác này không chỉ là lịch sử đau thương mà còn là lời cảnh tỉnh về sự cần thiết phải bảo vệ những người dân bản địa còn lại.

Một cái hố được ông Tanaru đào bên trong túp lều của mình. Mặc dù mục đích chính xác của những cái hố này vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều người tin rằng chúng có mối liên hệ với đức tin tâm linh của ông. Ảnh: theguardian.com

Một cái hố được ông Tanaru đào bên trong túp lều của mình. Mặc dù mục đích chính xác của những cái hố này vẫn chưa được xác định, nhưng nhiều người tin rằng chúng có mối liên hệ với đức tin tâm linh của ông. Ảnh: theguardian.com

Tại Brazil, hiện có 114 nhóm người bản địa "không liên lạc", nhưng phần lớn trong số đó chưa được kiểm tra, xác định về sự tồn tại của họ. Sự thiếu hụt nhân sự và ngân sách khiến việc bảo vệ các dân tộc này gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Tòa án tối cao đã yêu cầu chính quyền Brazil tăng cường bảo vệ các nhóm này và phân định rõ ràng các vùng lãnh thổ, tuy nhiến tiến độ thực hiện vẫn rất chậm chạp và làm gia tăng nguy cơ mất đi những vùng rừng quý giá, di sản văn hóa độc đáo của Amazon.

Cái chết của Tanaru không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn làm nổi bật sự khẩn thiết của việc bảo vệ quyền của người bản địa. Bảo vệ vùng đất tổ tiên của họ không chỉ là việc giữ gìn di sản văn hóa và thiên nhiên, mà còn là cách xây dựng công lý và đảm bảo sự bền vững cho tương lai của rừng Amazon và những cộng đồng bản địa còn sót lại.

Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo theguardian.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cai-chet-cua-tanaru-hoi-chuong-canh-tinh-ve-quyen-ban-dia-va-bao-ve-rung-amazon-20241224164828625.htm