Giảm thuế giá trị gia tăng, giảm nhẹ sức ép về lạm phát

Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% ngoài việc có những tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp, còn được dự báo sẽ giải tỏa phần nào những lo ngại tồn tại thời gian qua về áp lực lạm phát năm 2022.

Sức ép lạm phát

Một trong chủ đề được đề cập nhiều thời gian qua là nguy cơ nhập khẩu lạm phát, do tình hình lạm phát diễn ra phức tạp tại các nền kinh tế lớn trên thế giới. Báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy, lạm phát tại nước này trong tháng 12 đã tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước – tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm qua… Tính từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, lạm phát tại Mỹ cũng đã tăng 0,6%, bằng với tháng trước và cao hơn mức dự báo.

Nguồn: Tổng cục Thuế Đồ họa: Hồng Vân

Không riêng Mỹ, Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cũng công bố số liệu lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 1/2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục mới, đạt 5,1% trong tháng 1/2022, lần đầu tiên kể từ khi Eurostat bắt đầu thu thập và công bố số liệu này vào năm 1997.

Không chỉ các yếu tố bên ngoài mà các yếu tố trong nước cũng đặt ra yêu cầu cần cẩn trọng với lạm phát thời gian tới. Tín dụng ngân hàng đang bơm mạnh vào nền kinh tế tuy được kỳ vọng kích thích cho hoạt động kinh doanh tăng trưởng, nhưng mối lo “hiệu ứng phụ” tác động lên cung tiền dẫn đến nguy cơ lạm phát trong tương lai cũng không phải không có. Năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt tới 13,53%, khoảng cách khá xa so với tăng trưởng GDP (2,58%), đây là mức chênh lệch cao hơn khá nhiều so với giai đoạn chưa diễn ra dịch Covid-19. Trong khi đó, các gói kích thích kinh tế sẽ tiếp tục được thực thi cũng đòi hỏi yêu cầu sự kiểm soát dòng tiền chặt chẽ, để tránh dòng vốn bơm không đúng địa chỉ và bị sử dụng không hiệu quả.

Giảm phần nào áp lực

Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 cho thấy, kinh tế trong nước chưa xuất hiện lạm phát. Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát trong năm 2022 vẫn là nỗi lo của người dân và doanh nghiệp, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Theo đó, kiểm soát lạm phát cũng vẫn là một trong những vấn đề Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Theo nội dung Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát.

Kiểm soát lạm phát là một trong những nhiệm vụ lớn

Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có nội dung đề cập việc kiểm soát chặt chẽ lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Phần liên quan đến chính sách tiền tệ, Nghị quyết 43 đặt ra yêu cầu cụ thể cần điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu để giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tính toán hợp lý tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Về nội dung liên quan đến Nghị định 15 vừa có hiệu lực từ tháng 2/2022, trong đó thuế giá trị gia tăng (GTGT) một số hàng hóa, dịch vụ được giảm từ 10% xuống 8%, các chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ ít nhiều giảm áp lực đối với lạm phát.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính cho biết, thuế GTGT được thu vào khâu tiêu thụ của hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, thuế GTGT giảm thì người tiêu dùng có quyền đòi hỏi được sử dụng hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ hơn. Đây cũng chính là yếu tố giúp giảm áp lực tăng giá hàng hóa dịch vụ bởi các tác động khác, phần nào giải tỏa tâm lý lo lắng về lạm phát.

Cũng với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp hạn chế lạm phát do việc giảm thuế có thể giúp doanh nghiệp điều chỉnh giảm trực tiếp vào giá bán cho khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, những ảnh hưởng gián tiếp vẫn có thể xảy ra, chẳng hạn tác động giảm thuế cũng có thể gia tăng sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, sức cầu tiêu dùng gia tăng cùng với sự phục hồi kinh tế có thể lại một yếu tố khác tác động trở lại làm cho giá cả hàng hóa có thể chịu tác động tăng giá về mặt trung hạn.

Giảm thuế giá trị gia tăng sẽ kích cầu tiêu dùng

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% sẽ giúp người tiêu dùng giảm được chi phí chi tiêu. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn để người tiêu dùng tiếp tục tiêu dùng, phục vụ đời sống, tăng giao dịch trên thị trường. Việc giảm thuế GTGT cũng sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu: hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ hai phía là sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Khảo sát thị trường những ngày đầu năm, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN tiêu dùng đã đồng loạt áp dụng mức thuế GTGT mới và thông báo đến khách hàng, người tiêu dùng. Theo đó, hầu hết hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế GTGT 10% sẽ được giảm xuống còn 8% từ đầu tháng 2 và kéo dài đến hết năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Một trong những DN ngành hàng bán lẻ lớn nhất cả nước, đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết, các hệ thống bán lẻ thuộc tập đoàn này đã áp dụng ngay giá bán được cập nhật theo thuế GTGT mới, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm hơn. Theo đó, từ đầu tháng 2/2022, người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C và các siêu thị Tops Market trên toàn quốc đã có thể kiểm tra thông tin thuế GTGT mới trên hóa đơn - mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%.

Cụ thể, tại Hệ thống đại siêu thị GO!, Big C sẽ có trên 20.000 sản phẩm (gồm thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng,…), được áp dụng giá bán mới, giảm 2% thuế GTGT. Tại hệ thống siêu thị Tops Market, giá bán được cập nhật theo thuế GTGT mới cũng được áp dụng đối với khoảng 12.000 sản phẩm. Việc giảm thuế cũng được thực hiện tương tự tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Một khách hàng mua hàng tại hệ thống Big C cho biết đã mua tổng hóa đơn trị giá khoảng 800.000 đồng, theo đó khách hàng được giảm khoảng 20.000 đồng tiền thuế GTGT. “Khoản tiền này tuy không quá lớn, nhưng trong mùa dịch này mình cảm thấy ý nghĩa với người lao động” – một khách hàng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội nói.

Theo tính toán của hệ thống siêu thị này, các mặt hàng được giảm thuế GTGT xuống còn 8% nằm trong giỏ hàng hóa thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị. “Cứ 10 khách hàng vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế của Chính phủ. Thông qua việc giảm thuế GTGT, DN cũng không bị ảnh hưởng hiệu quả tài chính, vẫn có thể kích cầu tiêu thụ. Như vậy, cả DN lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ này” - bà Nguyễn Thị Mai Phương - Giám đốc điều hành siêu thị Big C & Go Thăng Long (Hà Nội) cho hay.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến khi thực hiện chính sách giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước trong năm 2022 khoảng 50.000 tỷ đồng.

“Thuế GTGT hiện nay là sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu ngân sách nhà nước, vì vậy, việc giảm thuế 10% xuống 8% sẽ tiết kiệm được cho người tiêu dùng. Tiết kiệm được 50.000 tỷ đồng, nhưng không phải để đấy, mà sẽ tái đầu tư sản xuất kinh doanh với đầu vào của nguyên vật liệu hoặc tái mua thêm hàng hóa tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam nhận định.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-thue-gia-tri-gia-tang-giam-nhe-suc-ep-ve-lam-phat-100176.html