Cách tập thể dục an toàn ở người bệnh hen
Mặc dù tập thể dục cần thiết để duy trì sức khỏe nhưng với người bệnh hen có thể khó khăn. Vậy, làm thế nào người bệnh hen có thể kiểm soát được tình trạng bệnh để tập thể dục một cách an toàn.
Hen phế quản hay còn gọi là hen suyễn là một bệnh hô hấp mạn tính đặc trưng bởi tình trạng viêm và thu hẹp đường thở, có thể gây khó thở, ho, thở khò khè và tức ngực khi gắng sức.
Tuy nhiên, với các biện pháp phòng ngừa và quản lý thích hợp, những người mắc bệnh hen suyễn có thể tham gia tập thể dục một cách an toàn và nâng cao sức khỏe.
Tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe
Đối với bất kỳ người bệnh hen nào trước khi bắt đầu thói quen tập thể dục đều cần tham khảo ý kiến chuyên gia về loại hình, thời gian, cường độ thực hiện để đảm bảo bệnh hen được kiểm soát tốt, không có nguy cơ xảy ra cơn hen cấp.
Theo đó, chuyên gia chăm sóc sức khỏe sẽ tư vấn loại thuốc hoặc ống hít thích hợp với từng tình trạng bệnh cụ thể nhằm mục đích kiểm soát tốt các triệu chứng, phòng ngừa tai biến đáng tiếc.
Người bệnh hen nên tận dụng kỹ thuật thở
TS. Grover, Trưởng khoa Hồi sức và bệnh Phổi, Bệnh viện CK Birla, Gurugram, Ấn Độ cho biết, kỹ thuật thở đúng cách có tác động đáng kể đến việc cải thiện chức năng phổi và giảm các triệu chứng bệnh hen khi người bệnh tham gia hoạt động thể chất. Dưới đây là bốn kỹ thuật thở có lợi cho những người mắc bệnh hen:
Thở bằng cơ hoành
Thở bằng cơ hoành, còn được gọi là thở sâu, giúp tăng cường sức mạnh cho cơ hoành, cơ chính liên quan đến hơi thở. Biện pháp này được thực hiện bằng cách hít thở sâu qua lỗ mũi, phình căng bụng lên và thở ra dần dần bằng miệng, hóp bụng lại.
Người bệnh hen nên bắt đầu thở bằng cơ hoành với khởi động chậm và dần dần, tập trung vào các nhịp thở sâu. Sau đó, kết hợp kỹ thuật này vào nhiều loại bài tập khác nhau như hoạt động ngoài trời, tập gym hay tập tạ…
Thở mím môi
Kỹ thuật thở này yêu cầu người bệnh hen hít vào một hơi thật sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng với môi mím lại như đang thổi vào vật nào đó. Cách thực hiện chậm rãi và được kiểm soát.
Kỹ thuật thở này giúp điều hòa hơi thở, kiểm soát quá trình oxy hóa và thông khí.
Thở bằng mũi
Đây là kỹ thuật thở hít vào và thở ra bằng mũi, giúp lọc không khí, làm ẩm và làm ấm không khí trước khi đến phổi. TS. Grover cho biết, thở bằng mũi đặc biệt có lợi cho những người có vấn đề về hô hấp như người mắc bệnh hen.
Thở hộp
Thực hiện kỹ thuật thở hộp bao gồm hít vào trong 4 giây, giữ hơi thở trong 4 giây, thở ra trong 4 giây và giữ hơi thở ra trong 4 giây.
Thực hành kỹ thuật thở này trước và sau các buổi tập thể dục giúp người bệnh hen duy trì nhịp thở cân bằng, giảm bớt tình trạng khó thở liên quan đến các vấn đề về hô hấp và mang lại cảm giác bình tĩnh.
Luôn mang theo thuốc
Người bệnh hen nên luôn mang theo bất kỳ liệu pháp điều trị nào được kê đơn, chẳng hạn như ống hít, trong quá trình tập luyện để có thể sử dụng ngay khi cần thiết.
Bên cạnh đó, việc dùng thuốc được kê đơn, bao gồm cả thuốc hít, trước khi tập thể dục theo khuyến nghị của chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần được thực hiện nghiêm túc, ngăn ngừa các bất lợi có thể xảy ra do tập thể dục và giữ cho đường thở của người bệnh hen luôn thông thoáng.
Không bỏ qua phần khởi động trước khi tập luyện
Khởi động là quá trình làm ấm nóng cơ thể và giãn cơ trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào. Đây cũng là thói quen giúp cơ thể thích nghi và chuẩn bị cho phổi đón nhận các hoạt động thể chất.
Người bệnh hen cũng có thể kết hợp các kỹ thuật thở được đề cập trước đó trong quá trình khởi động để làm tăng hiệu quả của quá trình và giúp việc tập luyện trở nên dễ dàng hơn.
Luôn lắng nghe cơ thể
Người bệnh hen có thể trạng đặc biệt nên trong quá trình tập luyện cần đặc biệt chú ý đến các tín hiệu của cơ thể. Nếu người bệnh gặp bất kỳ triệu chứng nào như thở khò khè, ho hoặc khó thở thì cần tạm dừng hoạt động ngay lập tức và sử dụng ống hít nếu cần thiết.
Đối với người bệnh hen, điều cần thiết lắng nghe cơ thể và không để cơ thể vượt quá giới hạn thì tập luyện mới đem lại hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh.
Mời bạn xem tiếp video: