Cách nào ngăn làn sóng rút BHXH 1 lần?

Thời gian gần đây, tình trạng người lao động rút BHXH một lần ngày càng tăng, đồng nghĩa với số người khi về già không có lương hưu tăng theo, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu an sinh xã hội.

Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021 có 4,6 triệu người rút BHXH một lần khiến lưới an sinh ngày càng mỏng. Bình quân mỗi năm có gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%. Đáng lưu ý, có đến 90,47% người rút BHXH một lần ở khối ngoài nhà nước.

Để hạn chế tình trạng này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life).

Chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề

. Phóng viên: Từ những thực tế nêu trên, ông có nhận xét gì về tình hình rút BHXH một lần của người lao động (NLĐ) hiện nay?

+ PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (ảnh): Hiện có một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Công nhân (CN) bước sang tuổi 40, lúc này tuổi nghề đã hết nhưng tuổi nghỉ hưu chưa đến khiến họ bơ vơ trong cuộc mưu sinh.Việc này diễn ra phổ biến ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Với đặc điểm nghề nghiệp của CN các nhà máy, tuổi càng tăng thì cơ hội việc làm càng hẹp. Trong khi đó, để tiếp cận được lương hưu, CN phải đáp ứng hai điều kiện: đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Thách thức này không dễ vượt qua, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng rút BHXH một lần đang lan rộng. Nhiều CN thường chọn rút BHXH một lần lấy 100-200 triệu đồng để giải quyết những khó khăn trước mắt.

. Nhiều NLĐ cho rằng do thu nhập thấp, ít hoặc không có tích lũy nên khi mất việc làm, họ đối mặt với khó khăn trước mắt nên nghĩ ngay tới BHXH một lần?

+ Đa số CN ở nước ta xuất phát từ nông thôn vào đô thị kiếm sống, mang theo ít nhiều nhận thức và tập quán truyền thống mô hình kinh tế nông nghiệp. Kết quả khảo sát xã hội gần đây của chúng tôi cho thấy nhiều NLĐ xem tham gia BHXH như một phần tiền tiết kiệm, tích lũy tài chính như thể một hình thức chơi hụi khá phổ biến trong dân gian.

Người lao động đăng ký rút BHXH 1 lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: QT

Người lao động đăng ký rút BHXH 1 lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: QT

Đây chính là những thách thức trong triển khai các chính sách an sinh xã hội hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi. Từ trong nhận thức chung, không ít người giờ vẫn cho rằng đối tượng nhận được lương hưu là cán bộ nhà nước chứ không nghĩ CN cũng có lương hưu.

665.000 là số người đã rút BHXH một lần trong sáu tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, khi xem xét lại quá trình triển khai các chính sách liên quan đến BHXH, chúng ta cũng phải thừa nhận có những giai đoạn các cơ quan chức năng còn lúng túng trong triển khai các chính sách. Tuy vậy, gần đây Quỹ BHXH có tiến bộ khi ứng dụng VssID để NLĐ tự theo dõi quá trình đóng BHXH của mình. Mọi thứ càng minh bạch, người dân càng hiểu rõ và tham gia nhiều.

Nên có chính sách hỗ trợ NLĐ

. NLĐ đóng BHXH dưới 20 năm, sau một năm nghỉ việc không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện thì được rút BHXH một lần. Có phải điều kiện rút BHXH một lần hiện nay quá thông thoáng?

+ Về mặt lý tưởng, những nhà làm chính sách sẽ kỳ vọng NLĐ ở lại hệ thống BHXH, bởi đó là một trong những bệ đỡ cho họ khi về già. Nhưng trong tình thế hiện nay, việc sửa đổi chính sách cần cân nhắc thật kỹ.

Theo tôi, để NLĐ nhận được lương hưu, cách duy nhất là “chốt đơn” ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia mới với các nguyên tắc đóng - hưởng rõ ràng, minh bạch. Những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu tham gia BHXH là bắt buộc nhằm đảm bảo lương hưu và các chính sách khi họ hết tuổi lao động.

Những người đã tham gia BHXH từ giai đoạn này về trước có thể chọn rút một lần hoặc tiếp tục ở lại theo nguyên tắc tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Cách làm này sẽ giữ được nguyên tắc công bằng.

. Từ thực tế này, ông có đề xuất gì với với Quốc hội, với Quỹ BHXH?

+ Theo tôi, lúc này Việt Nam cần “bù đắp nhiều hơn” để làm sống động lại thị trường lao động. NLĐ quay lại thị trường làm việc, tiếp tục tạo ra của cải vật chất, đóng thuế, Quỹ BHXH sẽ tốt hơn tình trạng hàng triệu người nghỉ việc, chờ rút BHXH một lần.

Bên cạnh đó, Việt Nam có Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với kết dư lớn, có thời điểm lên đến gần 90.000 tỉ đồng. Lúc này Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nên phát huy vai trò, có chính sách rõ ràng hơn cho nhóm trên 40 tuổi, giúp họ quay lại thị trường lao động.

. Khi NLĐ có việc làm, thu nhập đều và ổn định, họ sẽ “quên” việc rút BHXH một lần?

+ Các cơ quan chức năng phải cho NLĐ thấy được giá trị cốt lõi là ai làm việc, đóng quỹ thì về già sẽ được chăm lo. Một trong những nhân tố dẫn đến tăng số người rút BHXH một lần thời gian qua là tính không liên tục của việc làm, tính bấp bênh của thị trường lao động.

Vì vậy, khi giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH thì không chỉ bó hẹp trong phạm vi nguyên tắc đóng - hưởng, mà cần thêm các giải pháp thúc đẩy, đảm bảo thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp thấp, NLĐ an tâm làm việc… Từ đó, các chính sách khác sẽ dễ dàng triển khai.

Các cơ quan chức năng cần có giải pháp thúc đẩy thị trường lao động, đầu tư cho NLĐ học nghề, giúp các doanh nghiệp nội địa vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh… Khi NLĐ có việc làm, thu nhập ổn định, tâm lý họ sẽ không còn nghĩ đến “lãnh một cục”.

. Xin cảm ơn ông.

Nhìn chung, để giải bài toán BHXH thì không thể chỉ ngành BHXH giải quyết mà cần nhìn vào tổng thể các mối quan hệ, việc đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Khi hướng tới mô hình nhà nước phúc lợi, trước hết phải đảm bảo được việc làm bền vững, giúp cho NLĐ an tâm. Các cơ quan quản lý cần xem xét đưa chỉ số tỉ lệ thất nghiệp như là một chỉ số đánh giá hiệu quả quản trị công.

QUỐC THIÊN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-nao-ngan-lan-song-rut-bhxh-1-lan-post750801.html