Cách nào 'đoán' nguy cơ cây xanh gãy đổ?
Các công nghệ hiện tại hỗ trợ con người trong việc phát hiện vấn đề sức khỏe của cây để có phương pháp dự phòng, ngăn nguy hiểm.
Cách nào giám sát cây bỗng dưng gãy đổ?
Vào khoảng 7 giờ ngày 9/8, tại Khu A Công viên Tao Đàn, cây Dầu mã số 81, phân loại 3 bị gãy nhánh từ độ cao khoảng 25m rơi xuống đường nội bộ. Quan sát tại hiện trường, nhánh gãy còn tươi, có chiều dài khoảng 10m, chu vi tại vị trí gãy 1,2m. Nhánh gãy có khiếm khuyết không thể hiện bên ngoài, ngay vị trí tiếp giáp giữa nhánh và thân chính. Cây Dầu trên đã được duy tu chăm sóc theo quy trình kỹ thuật vào ngày 17/1 và ngày 20/7 năm nay. Sự cố nhánh cây gãy rơi trúng năm người đang tập thể dục tại khu vực làm hai người tử vong.
Theo ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty Cây xanh TPHCM, để hạn chế các sự cố về cây xanh thời gian tới, công ty đề xuất các giải pháp chăm sóc cây xanh trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, công ty đã thực hiện các công tác duy tu chăm sóc cây xanh theo đúng quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cây xanh và để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, công ty đề xuất bổ sung thuê loại xe 35 - 40 mét để thực hiện thu gọn cành nhánh cấp 1 có dấu hiệu khiếm khuyết, nguy hiểm đối với các cây xanh loại 3 trên đường phố và trong các công viên.
Ngoài ra, công ty kiến nghị thực hiện thí điểm neo cáp các cành nhánh cấp 1 có kích thước lớn vào thân cây đối với các chủng loại cây Sao Đen, Dầu,... và cho phép sử dụng flycam để hỗ trợ trong công tác kiểm tra, đánh giá cây xanh. Việc thực hiện công tác này có sự phối hợp hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực cây xanh.
GS.TS Trần Văn Chứ, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội cho biết mức độ bê tông hóa như hiện nay đã ảnh hưởng đến rễ cây rất nhiều. Quá trình làm sân đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây khiến cây bị dễ đổ, đặc biệt là loại cây có rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất như phượng vĩ. Những lớp bê tông dày khiến toàn bộ lớp rễ nằm bên dưới bị yếm khí, không hô hấp được nên sẽ chết dần theo thời gian.
Tuy nhiên, cây bị mục ruỗng thường khó phát hiện, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Do đó, các công nghệ hiện đại là yếu tố giúp con người chăm sóc, phát hiện cây bị mục ruỗng, sâu bệnh hiệu quả hơn chứ không thể là công cụ để giám sát đời sống của cây.
Hiện để biết một cây có bị rỗng ruột hay không, người ta sử dụng thiết bị siêu âm. Kỹ thuật này có thể thu thông tin về sức khỏe cây trong phạm vi từ 350-2.500 nm. Nó cung cấp cách phân tích nhanh về dữ liệu hình ảnh, bằng cách thu thập dữ liệu theo 3 trục X, Y, Z. Bằng không gian 3 chiều, người giám sát có thể phát hiện cây bị bệnh bằng cách đo sự thay đổi đặc tính sinh lý và sinh hóa của cây khi nhiễm bệnh. Hiện, kỹ thuật đang ngày được sử dụng phổ biến để xác định kiểu hình cây và xác định bệnh của cây trên diện rộng.
Nhưng trên thực tế, kỹ thuật siêu âm - máy siêu âm có nhiều ý nghĩa đối với việc kinh doanh gỗ hơn là chăm sóc cây xanh đô thị. Thiết bị này có thể phát hiện cây bị rỗng ruột nhưng có bị ngã đổ hay không còn phụ thuộc vào bộ rễ, vào tán lá. Do đó, cần làm rõ mối quan hệ giữa cây rỗng ruột và nguyên nhân ngã đổ mới đánh giá được hiệu quả của việc sử dụng thiết bị này.
Các công nghệ 'chẩn bệnh' cho cây
GS.TS Trần Văn Chứ cho biết, người ta có thể dùng thiết bị cảm biến cầm tay để nhận biết sức khỏe của cây. Tùy thuộc vào nguyên lý hoạt động của cảm biến, thiết bị sẽ phân tích dựa trên các tín hiệu hóa học, điện hóa, quang học, từ tính,… Một số loại cảm biến cầm tay có sự hỗ trợ của AI, giúp việc giám sát và chẩn đoán bệnh của cây đạt hiệu quả hơn.
Một cách khác nhận biết sức khỏe của cây là đo áp suất từ nhựa cây. Phương pháp này giúp ta xác định cây có bị mục ruỗng hay không. Các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi "bọt khí" trong nhựa, phản ánh trạng thái "thủy lực" của ống dẫn để nhận biết áp lực của dòng nhựa đang lưu thông trong thân cây hay trong 1 mẫu gỗ nhỏ. Theo đó, họ có thể dự đoán khả năng cây vẫn còn duy trì sự sống hay sắp sửa và đang trở thành cây chết.
"Tuy nhiên, các phương pháp nêu trên chỉ mang tính hỗ trợ con người trong việc phát hiện vấn đề sức khỏe của cây để có phương pháp dự phòng, ngăn nguy hiểm. Cho đến nay, không một phương pháp nào dự báo chính xác khả năng cây bị gãy đổ khi nào", chuyên gia nhận xét.
Theo một kỹ sư ở công ty công việc cây xanh, nhiều máy móc hiện đại cũng chỉ kiểm tra được bên dưới, còn trên cành cao mục bên trong thì rất khó đánh giá. Hơn nữa, cây xanh biến đổi hàng ngày, chịu ác động của thổ nhưỡng, quá trình thi công xây dựng, khí hậu... nên khó có thể kiểm soát độ an toàn. Do vậy, để đảm bảo an toàn, nên kiểm tra chất lượng cây thường xuyên và cắt sửa thường xuyên cành những cành bị sâu, mục,... để làm thoáng hệ thống tán cây, giảm áp lực lên bộ rễ. Nhờ đó, sẽ tránh việc cây ngã đổ trong mùa mưa, mang lại sự an toàn cho con người cũng như sự sinh trưởng của cây.
Để khắc phục tình trạng cây ngã đổ, GS.TS Trần Văn Chứ cho rằng khi trồng cây làm bóng mát, cần chọn cây có kích thước vừa phải, đường kính khoảng 6-8 cm, cao khoảng 4-5 m là phù hợp. Đồng thời, cần có chế độ chăm sóc cây xanh 1 cách khoa học, đưa cây lớn tuổi vào diện theo dõi sát sao để có phương án đảm bảo an toàn.
Những dấu hiệu cây có thể đang "chết" là hình dáng tán cây, biểu hiện của tán lá còi cọc, xuống lá; hình dáng rễ cây có mục ruỗng hay bị vết thương bên trong. Tùy theo loại cây, khi mức độ mục ruỗng hay vết thương trầy xước với tỷ lệ hư hỏng trên 30% so với đường kính thân cây thì phải kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, nếu cây nghiêng hơn 30 độ là bất bình thường. Ngoài ra, còn các yếu tố khác xâm hại, ảnh hưởng đến rễ cây như công trình vỉa hè, điện, nước, chiếu sáng, hố ga…
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-doan-nguy-co-cay-xanh-gay-do-169240812113620359.htm