Cách khắc phục hội chứng 'sợ bay'

Bay là nhu cầu nghề nghiệp đối với nhà sáng tạo nội dung du lịch Lola Mendez, nhưng với người sợ không gian hẹp thì đây chẳng phải chuyện dễ dàng. Dù vậy cô vẫn đi đây đó bằng máy bay suốt nhiều năm nhờ áp dụng một số mẹo như: đi lên cuối cùng, đặt chỗ gần lối đi ở phía trước, tải sẵn thứ gì đó để xem lúc trên máy bay, đem theo dầu hoa oải hương, thực hành bài tập hít thở yoga Pranayama...

Vậy mà trên một chuyến bay qua Papua New Guinea năm 2018 cô bất ngờ thở dốc và bật khóc. Ban đầu Mendez cho rằng phản ứng của mình là do căng thẳng khi phải ở trong chiếc Cessna 1 động cơ cỡ nhỏ. Tuy nhiên lúc ngồi máy bay chở khách nhỏ và máy bay phản lực cỡ lớn lại gặp tình trạng tương tự.

Không như Mendez, Emmie Newitt luôn sợ bay, chẳng hạn sợ máy bay bị rơi hay bị bắt làm con tin, hoặc bản thân gặp phải một số vấn đề sức khỏe. Cô cố gắng chế ngự nỗi sợ bằng cách trực tiếp đối diện, nhưng việc này vẫn khá đáng sợ đặc biệt ở lần hạ cánh gần đây. Máy bay lắc lư mạnh đến nỗi nó đáp xuống đường băng rồi lại phải cất cánh lần nữa để đáp an toàn lần hai.

Bà Judy Lamb không lo lắng về chuyến bay. Có bố là phi công không quân Mỹ, bà thích ở trên không. Nhưng nỗi lo lại xuất phát từ vài thứ khác: đi qua sân bay, chờ đợi ở cổng và chấp nhận rủi ro bị hoãn, đổi tuyến, hủy chuyến hoặc kẹt trên đường băng. Lần cuối bà bay là khoảng 7 năm trước. Nhờ hai đứa cháu sống trong phạm vi có thể di chuyển bằng xe nên bà Lamb không cần bay. Còn nếu muốn đi nghỉ tại nơi xa, bà sẽ uống thuốc trị rối loạn lo âu.

Ai cũng có thể gặp phải chứng sợ bay - Ảnh: Getty Images

Ai cũng có thể gặp phải chứng sợ bay - Ảnh: Getty Images

Bất kể là sợ không gian hẹp, nỗi lo mất an toàn hay e ngại về thủ tục lên máy bay, chứng sợ bay của hầu hết mọi người đều xuất phát từ cảm giác mất kiểm soát. Theo cơ trưởng kiêm nhà vật lý trị liệu Tom Bunn, khi máy bay rời mặt đất và ta mất khả năng kiểm soát môi trường xung quanh thì tình trạng lo lắng hay sợ không gian hẹp có thể trở nên tồi tệ hơn.

“Bạn sẽ thấy hầu hết người gặp rắc rối với việc bay đều gặp rắc rối với một số tình huống mất kiểm soát tương tự khác, chẳng hạn trong thang máy, cầu, đường hầm, nơi cao. Vấn đề không chỉ là về việc bay, an toàn trên máy bay mà còn về an toàn mặt cảm xúc”, cơ trường Bunn lý giải.

Người sợ bay luôn có cách của riêng mình để vượt qua, như dầu hoa oải hương, kỹ thuật hít thở, uống thuốc. Ngoài ra đừng ngại thử vài mẹo sau:

Đầu tiên là hãy cố gặp phi công. Cơ trưởng Bunn cho biết: “Không ai đến bệnh viện làm phẫu thuật mà không gặp bác sĩ cả. Nếu gặp được người này thì lúc bay bạn sẽ thấy tốt hơn”. Ông khuyến khích hành khách đến khu vực lên máy bay sớm hơn, nói rõ với tiếp viên hàng không về tình trạng của bản thân và hỏi xem có thể chào hỏi phi công trước khi cất cánh hay không. Với người lo lắng về thời tiết, đây cũng là dịp tốt để hỏi về khả năng chuyến bay rung lắc hay gặp nhiễu động.

Tiếp theo hãy thử bài tập 5-4-3-2-1. Theo cơ trưởng Bunn: “Cảm giác lo lắng xuất hiện khi cơ thể giải phóng hormone căng thẳng. Điều chúng ta muốn làm là ngừng chú ý đến mọi thứ xung quanh trong 90 giây để tập trung đốt cháy hormone căng thẳng và bình tĩnh trở lại”. Với bài tập này bạn hãy nhìn thẳng về phía trước rồi đưa ra 5 câu phát biểu về những gì trong tầm nhìn (cửa sổ, người đeo tai nghe); 5 câu về những gì nghe thấy (hai người đang trò chuyện, tiếng trẻ cười); 5 câu về những gì đang chạm vào (nếp nhăn trên phần da ghế, mép dây an toàn, tay vịn). Sau đó lặp lại quá trình với 4 câu, 3 câu, 2 câu, 1 câu.

Cuối cùng, hãy chuẩn bị đầy đủ từ trước để lộ trình di chuyển đến sân bay, qua cổng an ninh, đến cổng lên máy bay suôn sẻ, qua đó giảm bớt căng thẳng và tăng cảm giác kiểm soát được chuyến bay.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cach-khac-phuc-hoi-chung-so-bay-228653.html