Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch nên biết để phòng ngừa hệ lụy tim mạch
Xơ vữa động mạch là hiện tượng thành của động mạch bị xơ cứng làm cho lòng động mạch hẹp lại gây nên hiện tượng thiếu máu cục bộ, có nơi lòng động mạch bị xơ vữa bong ra gây tắc mạch cục bộ.
Xơ vữa động mạch thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng cho đến khi lòng động mạch bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn hoàn toàn, dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Chính vì vậy, hiểu biết nguy cơ để phòng ngừa và phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch có thể gặp mọi nơi trong cơ thể nhưng nguy hiểm nhất là động mạch nuôi tim - động mạch vành, động mạch não. Bệnh xơ vữa động mạch là một bệnh do nhiều nguyên nhân: Rối loạn chuyển hóa lipid, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá nhiều và hoạt động thể dục ít...
Trong các nguyên nhân trên, rối loạn chuyển hóa lipid có vai trò chủ yếu và là yếu tố đe dọa gây bệnh tim mạch.
Các yếu tố nguy cơ xơ vữa động mạch bao gồm
Tăng lipid máu: Tăng cholesterol máu là nguy cơ chính của xơ vữa động mạch và là nguyên nhân bệnh tim mạch thiếu máu. Tuy nhiên, nguy cơ phụ thuộc vào loại lipoprotein chuyên chở cholesterol. LDL Cholesterol có vai trò quan trọng đối với bệnh sinh xơ vữa động mạch. Có thể nói rằng bất kỳ sự gia tăng LDL cholesterol mức độ nào trong máu đều có nguy cơ gây xơ vữa động mạch.
- Bệnh tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ rất cao, nhất là đối với các mạch máu não. Huyết áp cao làm tăng sinh tế bào cơ trơn làm dày trung mạc động mạch và làm gia tăng chất elastin, chất keo và glycosaminoglycans. Áp lực do huyết áp cao tạo ra cũng làm dễ vỡ mảng xơ vữa cũng như làm gia tăng tính thấm nội mạc đối với cholesterol.
- Hút thuốc: Cũng là yếu tố nguy cơ chính, nguy cơ mạch vành tăng gấp đôi ở người hút thuốc, nhất là những người hút 40 điếu/ ngày.
- Bệnh đái tháo đường: Là nguyên nhân gây rối loạn lipid, nên dễ gây xơ vữa động mạch.
-Tình trạng béo phì, ít hoạt động: Ở những người thiếu vận động hoặc ít vận động như ngồi bàn giấy nhiều giờ, nhiều ngày, công việc lao động bắt buộc ngồi lâu như thợ may, người đánh máy... lại ăn chế độ nhiều đạm, nhiều mỡ khiến cho năng lượng tích tụ lại thành mỡ, tăng lượng cholesterol xấu (LDL-C) và giảm lượng cholesterol tốt (HDL-C). Xơ vữa động mạch vành dễ gây nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, tình trạng stress, các thuốc ngừa thai… cũng là yếu tố nguy cơ gây tình trạng xơ vữa động mạch.
2. Hậu quả của xơ vữa động mạch
Mảng xơ vữa thường xuất hiện tại 3 vị trí chính là động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại biên, gây các hậu quả khác nhau:
Hệ thống động mạch vành cung cấp máu giàu oxy nuôi tim. Mảng xơ vữa ở động mạch vành có thể gây ra cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.
Hệ thống động mạch cảnh cung cấp máu giàu oxy nuôi não. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc động mạch này sẽ gây ra đột quỵ và có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn.
Hệ thống động mạch ngoại biên cung cấp máu giàu oxy nuôi các cơ quan như tay chân và vùng chậu. Mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng động mạch ngoại biên có thể dẫn đến đoạn chi (cắt cụt chi).
3. Làm gì để ngăn chặn xơ vữa động mạch?
Chế độ ăn là hết sức quan trọng đối với việc phòng bệnh xơ vữa động mạch. Để ngăn chặn xơ vữa động mạch cần thực hiện phương pháp ăn uống lành mạnh, năng hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng, dùng các thuốc để giảm chỉ số cholesterol và thuốc hạ huyết áp và dùng các thuốc giải quyết được mảng xơ vữa, hạn chế hình thành cục máu đông ngăn ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim, nhối máu não, cắt cụt chi, suy thận…
Cần có chế độ ăn nhiều rau củ quả, những thực phẩm giàu chất xơ, giảm muối, không uống rượu bia, tập thể dục đều đặn mỗi ngày từ 30- 60 phút, bỏ hút thuốc lá, hạn chế các căng thẳng, stress…
Hạn chế ăn mỡ động vật như mỡ lợn, mỡ bò, mỡ gà mà thay thế vào đó là dùng dầu thực vật như dầu lạc, dầu vừng. Không nên ăn loại dầu dừa vì dầu dừa có nhiều axít béo bão hòa dễ gây nên hiện tượng xơ vữa động mạch.
Cần thường xuyên vận động cơ thể như tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chơi thể thao tùy theo sức mình. Nếu đã áp dụng tất cả các biện pháp nhằm làm giảm cholesterol mà không đạt kết quả thì phải dùng thuốc. Việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ, người bệnh không nên tự động mua thuốc để dùng tránh nguy hại cho sức khỏe.