Các xã viên đòi đất vườn đào bị "bức tử"
(VietNamNet) - Chủ vườn đào bị “bức tử” đã lên tiếng tố cáo bị thiệt hại 1,3 tỷ đồng, còn các xã viên bắt đầu gây sức ép đòi lại đất.
- Như đã đưa tin về việc hàng trăm gốc đào lâu năm bị người dân chặt gốc, cắt rễ phơi nắng trong gần 1 tuần lễ tại xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm – Hà Nội), chủ vườn đào bị “bức tử” đã lên tiếng tố cáo bị thiệt hại 1,3 tỷ đồng từ hành vi nêu trên. Trong khi đó, hàng trăm xã viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Cát đã lên tiếng đòi đất. Xã viên đòi đất bãi Sáng 18/8, hàng trăm xã viên thuộc HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Cát (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) vẫn tiếp tục tập trung tại bãi đất ven sông Hồng, nơi có hàng nghìn gốc đào lâu năm được trồng tại đây, để yêu cầu được trả lại đất bãi. Nhiều xã viên HTX Đại Cát vẫn kéo đến vườn đào để yêu cầu chủ đầu tư trả đất bãi vào ngày 18/8. - Ảnh: K.T Lý do mà các xã viên đưa ra, đó là thời hạn thuê đất bãi của chủ vườn đào với HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Cát đã chấm dứt, chủ đầu tư phải trả lại đất bãi cho các xã viên để họ tiếp tục trồng cây nông nghiệp. Tuy nhiên, lý do chính là theo nhiều người dân, vì họ nghe thông tin sẽ có dự án đầu tư vào bãi đất ven sông Hồng. Việc đòi lại đất bãi của các xã viên là tính đến các phương án đền bù, bồi thường đối với hoa màu và đất bãi, khi mà dự án đi qua vùng đất bãi của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Cát. Các xã viên lý luận: họ đào, bứng nhiều gốc đào, là vì chủ đầu tư đã hết thời gian hợp đồng, phải trả mặt bằng... - Ảnh: K.T Người dân lập luận: hợp đồng thuê đất bãi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp từ trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày tại 10,6ha đất bãi (thuộc quyền quản lý của HTX DVNN Cát Lợi) của chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng được ký kết từ ngày 02/4/2005 đến nay đã hết thời hạn. Ngày 26/5/2009, hợp đồng Liên doanh, liên kết sản xuất chuyển đổi mục đích cây trồng này đã được thanh lý. Vì thế, chủ đầu tư phải trả lại đất cho HTX và xã viên. Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Huy Tưởng, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc (huyện Từ Liêm) cho biết: “Vấn đề bức xúc nêu trên xảy ra từ nhiều tháng nay, khi đại hội theo nhiệm kỳ 3 năm 1 lần của HTX DVNN Đại Cát được tổ chức. Thế nhưng, nhiều xã viên không tập trung vào vấn đề chính của đại hội mà chỉ xoay quanh vấn đề hợp đồng liên doanh chuyển đổi mục đích sử dụng đất bãi!”. Ông Tưởng cũng cho biết thêm, khi hợp đồng chuyển đổi cây trồng tại khu vực 10,6ha đất bãi của HTX dịch vụ nông nghiệp Đại Cát với chủ vườn đào là Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng hết thời hạn vào tháng 5/2009, nếu hai bên thỏa thuận được với nhau thì sẽ tiếp tục ký hợp đồng, đấy là việc của HTX DVNN Đại cát và chủ đầu tư. Về phía chính quyền, UBND xã Liên Mạc yêu cầu và giám sát các bên thực hiện đúng pháp luật. Một số xã viên HTX DVNN Đại Cát cho rằng, chủ đầu tư phải trả lại đất bãi cho người dân, thanh lý hợp đồng với chủ vườn đào, yêu cầu chủ đầu tư phải di dời trả lại mặt bằng trong thời gian 15 ngày (đối với cây đào) và 30 ngày đối với vườn tre măng Bát Độ. Về ý kiến này, ông Tưởng chỉ ra rằng rất khó khăn cho chủ đầu tư, bởi di dời số lượng cây lớn như thế cần thời gian, cần mặt bằng mới và các phương tiện di chuyển. Đặc biệt, chủ đầu tư phải có mặt bằng để đặt hàng ngàn cây lâu năm này, đấy là chưa tính đến chuyện di dời đào vào thời điểm này là không hợp lý vì không đúng thời vụ. Số còn lại đưa ra yêu cầu chủ đầu tư phải chấp nhận giá thuê mới (2 triệu đồng/sào/năm); chủ đầu tư phải trả cho người dân 50% tiền đền bù trong trường hợp nếu khu đất bãi này nằm trong dự án đầu tư. Ý kiến này theo ông Tưởng cũng không hợp lý vì giá đất thuê mà xã viên đưa ra là quá cao. “Việc chặt phá vườn đào của một số xã viên là trái pháp luật. Lực lượng trật tự xã Liên Mạc và công an huyện Từ Liêm đã phải túc trực nhiều ngày tại vườn đào để ngăn chặn người dân không được tiếp tục chặt phá cây của chủ đầu tư. Chúng tôi cũng đang yêu cầu chủ đầu tư và HTX DVNN Đại Cát sớm đưa ra phương án giải quyết hợp lý!” - ông Tưởng cho hay. Ngoài ra, ông Tưởng thông tin, việc nhiều người dân trong các ngày 13/8 – 15/8 tập trung đến vườn đào nhổ gốc, bứng nhiều cây đào lâu năm của chủ đầu tư là do bị một số phần tử kích động. Chủ vườn tố thiệt hại 1,29 tỷ đồng Trước sự việc xảy ra, ngày 17/8/2009, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng – chủ vườn đào bị bức tử, đã đưa ra bảng thống kê thiệt hại đối với hơn 400 gốc đào lâu năm bị người dân đánh gốc, chặt rễ, đào đổ… với giá trị thiệt hại lên tới 1,295 tỷ đồng. Ông Phạm Đình Quý, Giám đốc Cty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng cho biết: "Việc người dân vào vườn đào phá hoại nhiều gốc đào lâu năm của công ty là sai pháp luật, bởi vì chúng tôi vẫn còn thời hạn hợp đồng". Những gốc đào núi lâu năm bị đào đổ, cắt rễ, bứng gốc phơi nắng mấy ngày trời rất khó có khả năng sống được - Chủ vườn đào cho biết. - Ảnh: Kiên Trung Theo đó, ông Quý cho hay, ngày 2/4/2004, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Cát đã ký hợp đồng liên doanh liên kết chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng bãi 1 (trồng hoa, cây cảnh) với diện tích 289,266 sào Bắc Bộ cho bà Nguyễn Thị Đáng (Hiệu trưởng Trường mầm non xã Liên Mạc, hộ khẩu thường trú tại xã Liên Mạc) và ông Nguyễn Văn Việt. Sau 2 năm làm ăn không hiệu quả, ngày 2/4/2006, ông Nguyễn Văn Việt đã đồng ý để Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng tham gia ký hợp đồng. Như thế, thời hạn của hợp đồng kéo dài tới năm 2011 mới hết hạn. “Mất nhiều năm chúng tôi mới gây dựng được vườn đào lâu năm tại khu đất bãi này, bởi tất cả đều là đào núi từ mạn Tây Bắc chở bằng xe ô tô mang về. Chúng tôi cũng không chủ trương kinh doanh mà đang đề nghị xin ý kiến của cơ quan chức năng để xây dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa cho người dân Thủ đô. Chúng tôi đã lập Dự án đầu tư Trại đào Liên Mạc và trình lãnh đạo Thành phố. Việc người dân kéo đến chặt phá hàng trăm gốc đào, tôi rất bất ngờ…” – ông Quý cho hay. Chủ vườn đào định xây dựng Trại đào Liên Mạc thành địa chỉ văn hóa để người dân Thủ đô hưởng lãm. - Ảnh: K.T Khi được hỏi về việc, tại sao lại có một hợp đồng liên doanh liên kết sản xuất chuyển đổi mục đích đất trồng của HTX DVNN Đại Cát với Công ty CP ĐTPT hạ tầng, trong khi hợp đồng số 01 giữa HTX Đại Cát và bà Nguyễn Thị Đáng – ông Nguyễn Văn Việt vẫn còn hiệu lực, Chủ tịch xã Liên Mạc thừa nhận: “Chúng tôi không biết có hợp đồng này. Nếu chủ đầu tư và HTX DVNN Đại Cát có tranh chấp, thì hai bên giải quyết theo pháp luật!”. Kiên Trung
Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/doisong/2009/08/864118/