Các quầy sách 400 năm tuổi trong lòng Paris chống chọi giữa đại dịch
Khi thu nhập từ các du khách bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, những người bán sách bên bờ sông Seine, Paris, Pháp đang gặp khó khăn.
Thông thường, chủ nhật là những ngày tuyệt vời cho những người bán hàng tại Paris khi có nhiều người hát rong, khách du lịch, người lai vãng hay dân Paris tập trung bên bờ sông Seine. Lúc này, những quầy màu xanh bán sách và thiệp từ 400 năm qua ven sông Seine luôn kinh doanh tốt.
Nhưng hôm chủ nhật vừa qua, Jérôme Callais, một chủ quầy sách như vậy (tiếng Pháp gọi là Bouquinistes), chỉ kiếm được 32 Euro. Thậm chí, một ngày trong tuần đó ông chỉ kiếm được 4 Euro từ một cuốn sách bìa mềm. Ông cũng chia sẻ rằng việc trú mưa trên con đường Quai de Conti vắng vẻ khi thời tiết xấu đi hoàn toàn không dễ dàng.
Callais bày tỏ: “Đây là đỉnh điểm của ba năm tồi tệ. Đầu tiên là những cuộc biểu tình áo khoác vàng, xong đến các cuộc đình công trong ngành vận tải hồi năm ngoái. Và bây giờ là Covid: Cấm đi lại, cách ly, giới nghiêm. Về mặt tài chính, đây là một thảm họa”.
Kiên trì với giá trị nhân văn
Những người bán sách cũ tại Paris không chỉ nghĩ tới doanh thu khi làm công việc này. Ngay cả khi không xảy ra đại dịch, việc bán sách cũ với quy mô nhỏ trong thời đại của điện thoại thông minh, máy đọc sách điện tử và sự phát triển của Amazon, cũng sẽ không bao giờ trở thành công cụ kiếm tiền nhiều. Callais, 57 tuổi, chia sẻ: “Đó không chỉ là một công việc, đó là một triết lý sống. Bạn sẽ không kiếm được nhiều, không nhiều chút nào. Bạn làm điều đó vì bầu không khí trong lành, sự tự do, mối quan hệ với những khách hàng thường xuyên của bạn, những cuộc tiếp xúc với những người hoàn toàn xa lạ… đó là một nghề rất nhân văn”.
Bất chấp lệnh cấm thường xuyên của nhiều đời vua Pháp, những người bán sách cũ ngoài phố đã bày bán sách dọc sông Seine kể từ thế kỷ 16, ban đầu là những chiếc xe đẩy tay, túi lớn hay bàn có khung.
Năm 1891, vượt lên yêu cầu chấm dứt hoàn toàn của Georges-Eugène Haussmann, kiến trúc sư của Paris hiện đại, họ đã giành được quyền bán sách của mình và quan trọng là cất giữ chúng qua đêm trong những chiếc thùng màu xanh giờ đây đã trở nên quen thuộc.
Callais nói: “Bouquinistes là những người truyền tải văn hóa. Chúng tôi không chỉ bán sách như những nhà bán sách khác. Với một hiệu sách, bạn phải đặc biệt tìm đến đó. Với chúng tôi, bạn chỉ cần đi qua. Chúng tôi là sự tình cờ. Và chúng tôi bán những thứ mà những người bán sách khác không bán".
Niềm tin vượt qua đại dịch
Những Bouquinistes ở Paris hiện là một nhóm gồm 85 phụ nữ và 125 nam giới. Họ là cựu phóng viên của các hãng thông tấn, giáo viên triết học, nhạc sĩ hay nhà hóa học và còn một số người trẻ tuổi bị thu hút bởi cuộc sống ngoài trời và sự lãng mạn.
“Công việc này đã cho phép tôi trò chuyện với cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay nhà kinh tế Mỹ nổi tiếng Joseph Stiglitz. Tôi không kiếm được nhiều, nhưng tôi chưa bao giờ gặp những người như vậy nếu tôi giao dịch trực tuyến”, Gilles Morineaux, một chủ quầy sách trong 20 năm cho biết.
Callais cho biết đối với nhiều người, đó là “công việc thứ ba, thứ tư, có thể là thứ năm của họ, nhưng cũng thường là công việc cuối cùng của họ. Một khi bạn đã tận hưởng sự tự do của nó, bạn không thực sự muốn làm bất cứ điều gì khác".
Họ không phải trả tiền thuê mặt bằng, nhưng phải cam kết mở cửa ít nhất bốn ngày một tuần (trừ khi thời tiết xấu) và "bán sách", nghĩa là bán hầu hết sách cũ, tạp chí, tài liệu và có thể cung cấp bưu thiếp, đồ lưu niệm và trang sức nếu muốn.
David Nosek, một cựu kỹ sư âm thanh, đã thành lập một nền tảng bán sách trực tuyến có tên bouquinistesdeparis.com, giới thiệu khoảng 2.000 đầu sách có thể được đặt trước trực tuyến và đến quầy hàng lấy trực tiếp. Ông hy vọng điều này sẽ thúc đẩy công việc kinh doanh trong trường hợp không có khách đi qua khu vực này.
Dù điều gì xảy ra, một số quầy sách, như của Callais vẫn quyết không nhượng bộ. Sylvie Mathias, 58 tuổi, một cựu nhà báo của Reuters, cho biết quầy hàng văn học và triết học của bà đã kiếm được 65 Euro vào ngày hôm trước. “Tôi làm không tệ, tất cả mọi thứ đều được cân nhắc”.
Chồng bà, Jean-Pierre, cũng là chủ một quầy sách về triết học, tâm lý học, điện ảnh, thời trang và chạm khắc cách đó không xa,. Ông Jean-Pierre chia sẻ rằng việc kinh doanh sẽ mất một thời gian để trở lại bình thường. Ngay cả khi có vắc xin, mọi người vẫn khó có thể đi du lịch sớm. Nhưng ông, người làm công việc này trong suốt 40 năm bày tỏ: “Tôi không quá lo lắng. Chúng tôi đã ở đây hơn bốn thế kỷ, đi qua một vài trận đại dịch. Sẽ mất nhiều hơn điều này để khiến chúng tôi tuyệt vọng”.