Các nhà lãnh đạo ASEAN kỳ vọng vào đột phá trong đàm phán RCEP
Ngày 3/11, lãnh đạo các nước Đông Nam Á họp ngày thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Ngày 3/11, lãnh đạo các nước Đông Nam Á họp ngày thứ hai trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan, với kỳ vọng đạt được đột phá trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra tại Bangkok/Nonthaburi, Thái Lan có một trong những nội dung trọng tâm là đạt được thỏa thuận về việc tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm lên khu vực sinh sống của 50% dân số thế giới và khoảng 40% thương mại toàn cầu.
Các cuộc đàm phán RCEP đã bắt đầu vào năm 2013 với mục tiêu ban đầu là hoàn tất vào năm 2015. RCEP gồm các nước Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã đè nặng lên các thị trường. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể khiến tốc độ tăng trưởng toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Trong khi đó, những thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến một số quốc gia ASEAN lo ngại nền kinh tế của họ có thể rơi vào tầm ngắm của ông chủ Nhà Trắng. Ông Trump đã nhiều lần để ngỏ khả năng đưa ra những biện pháp mạnh hơn để bảo vệ doanh nghiệp Mỹ.
Tại Hội nghị Cấp cao Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2019 (ABIS 2019) đang diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nhận định 10 nước ASEAN với dân số lên tới 650 triệu người, bằng một nửa dân số Trung Quốc, là một thị trường quan trọng. Ông kêu gọi các nước thành viên cùng đoàn kết và có chung lập trường chống lại các nước phát triển đang áp dụng chính sách bảo hộ thương mại nhằm vào những nền kinh tế sản xuất mới.
Bộ trưởng Thương mại Philippines Ramon Lopez cho biết ông hy vọng sẽ có "báo cáo rất tích cực (về RCEP) vào thứ Hai (4/11)" khi hội nghị kết thúc. Tuy nhiên, việc ký kết RCEP sẽ chỉ xảy ra "trong năm tới", với các cuộc họp diễn ra vào tháng 2/2020 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong việc tiếp cận thị trường.
Các nước thành viên RCEP đã kết thúc đàm phán 18/20 lĩnh vực, nhưng dường như vẫn chưa đồng ý về các lĩnh vực chính gồm thuế quan, thương mại dịch vụ, tiếp cận thị trường và đầu tư. Ấn Độ đã miễn cưỡng hạ thấp các rào cản thương mại, vì nước này có thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc trong nhiều năm. Ấn Độ lo ngại rằng thỏa thuận thương mại tự do sẽ dẫn đến việc các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp giá rẻ như điện thoại thông minh từ Trung Quốc đổ vào thị trường nội địa, khiến thâm hụt thương mại tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn kết thúc đàm phán RCEP càng sớm càng tốt, vì nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp diễn. Các cuộc thảo luận về hiệp định này bắt đầu từ năm 2012 và đã được đẩy nhanh trong thời điểm cuộc chiến thương mại đang diễn ra.