Các ngân hàng trung ương lớn tìm hướng đi riêng sau khi Fed 'đứng yên'
Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang có những hướng đi khác nhau, trong bối cảnh các mức thuế mới từ Nhà Trắng đe dọa làm gia tăng lạm phát tại Mỹ khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất..

Các ngân hàng trung ương lớn tìm hướng đi riêng sau khi Fed "đứng yên"
Dưới đây là bức tranh tổng quan về chính sách tiền tệ của 10 ngân hàng trung ương thuộc các thị trường phát triển.
Thụy Sĩ
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sẽ họp vào ngày 19/6 và cho biết sẵn sàng đưa lãi suất trở lại vùng âm từ mức hiện tại là 0,25%, nhằm kiềm chế đà tăng mạnh của đồng franc Thụy Sĩ, vốn đang gây sức ép lên nền kinh tế định hướng xuất khẩu và làm gia tăng rủi ro giảm phát.
Tuy nhiên, khi các nhà đầu cơ bắt đầu quay sang bán đồng franc sau khi dòng vốn trú ẩn đã đẩy đồng tiền này tăng gần 7% so với USD kể từ đầu tháng 4, SNB có thể sẽ không cần phải sử dụng đến các công cụ chính sách phi truyền thống.
Canada
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) giữ nguyên lãi suất ở mức 2,75% trong tháng 4, sau 7 lần cắt giảm liên tiếp. Hội đồng chính sách tiền tệ chia rẽ về quan điểm nới lỏng thêm, trong khi Thống đốc Tiff Macklem cho biết sự bất định trong thương mại toàn cầu khiến công tác dự báo gần như "trở nên vô ích".
Dù vậy, thị trường tiền tệ kỳ vọng BoC sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trước tháng 7 và có thể giảm tiếp vào cuối năm.
New Zealand
Các nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 3,25% vào ngày 28/5 nhằm bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc trước những cú sốc thương mại.
RBNZ được dự báo sẽ tiếp tục chu kỳ nới lỏng trong năm nay, khi đồng đô la New Zealand mạnh giúp kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.
Thụy Điển
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 2,25% trong phiên họp thứ Năm, song để ngỏ khả năng cắt giảm trong tương lai.
Hoạt động sản xuất của Thụy Điển phục hồi trong tháng 4, khi các cam kết chi tiêu quốc phòng và đầu tư công của chính phủ giúp nâng kỳ vọng rằng nền kinh tế Bắc Âu có thể tránh được suy thoái.
Khu vực đồng euro
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất lần thứ bảy trong vòng một năm vào tháng 4. Thị trường gần như đồng thuận về một đợt cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản xuống 2% vào ngày 5/6, và một đợt cắt giảm nữa vào cuối năm được đánh giá là rất khả thi.
Lạm phát toàn phần trong khu vực đã hạ nhiệt về 2,2%; đồng euro mạnh lên giúp giảm chi phí nhập khẩu; tăng trưởng chậm lại; và mặc dù kỳ vọng vào gói kích thích tài khóa của Đức vẫn còn, sự xáo trộn chính trị đang tạo ra những nghi ngại mới.
Mỹ
Fed - cơ quan đang chịu áp lực từ Tổng thống Donald Trump vì không chịu cắt giảm lãi suất - vừa quyết định giữ nguyên mức lãi suất chính sách trong biên độ 4,25-4,50%.
Fed cảnh báo rằng rủi ro lạm phát cao và thất nghiệp gia tăng đã làm triển vọng kinh tế Mỹ trở nên u ám hơn, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với tác động từ các mức thuế mới.
Kể từ tháng 12 năm ngoái, Fed đã giữ nguyên lãi suất sau khi giảm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm 2024. Thị trường kỳ vọng sẽ có khoảng 75 điểm cơ bản được cắt giảm thêm trước cuối năm.
Vương quốc Anh
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), vốn đã nới lỏng chính sách với tốc độ chậm để thích ứng với các biến động lạm phát, đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống còn 4,25% trong phiên họp hôm thứ Năm, đúng như dự kiến.
Tuy nhiên, thị trường bất ngờ với sự chia rẽ nội bộ sâu sắc trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC), trong bối cảnh các mức thuế của Mỹ đè nặng lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu. MPC bỏ phiếu 5-4 để cắt giảm lãi suất, trong đó hai thành viên muốn giảm sâu hơn (50 điểm cơ bản) và hai người muốn giữ nguyên.
Thị trường kỳ vọng BoE sẽ giảm thêm lãi suất vào tháng 8.
Úc
Ngân hàng trung ương Úc (RBA) giữ nguyên lãi suất ở mức 4,1% trong tháng 4, nhưng rủi ro từ các mức thuế của Mỹ đối với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Úc - khiến thị trường định giá hơn 90% khả năng sẽ có một đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào ngày 20/5, với tổng mức giảm dự kiến lên đến 105 điểm cơ bản vào cuối năm.
Na Uy
Ngân hàng Trung ương Na Uy đã từ bỏ kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh đồng krone liên kết với giá dầu suy yếu, đồng thời triển vọng thương mại toàn cầu xấu đi đang gây ra mối đe dọa lạm phát mới.
Đúng như kỳ vọng, ngân hàng trung ương giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5% - mức cao nhất trong 17 năm.
Nhật Bản
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn từ lâu được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất, đang trở nên thận trọng hơn khi chờ đợi tác động từ các biện pháp thuế mới đối với nền kinh tế định hướng xuất khẩu này, trong bối cảnh các nhà máy Nhật chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc Mỹ áp thuế lên xe nhập khẩu.
BoJ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5% vào ngày 2/5, trong khi Thống đốc Kazuo Ueda cho biết cam kết đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% đã "bị trì hoãn phần nào", và nhà đầu tư đang lo lắng chờ đợi kết quả từ các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật.